Làm sao em khóc?
Mùa hè năm 1989, theo chân bố mẹ chuyển công tác, Kỉ Đình lần đầu tiên đặt chân đến thành phố phương Nam này, khi ấy cậu vừa tròn mười một tuổi.
Mẹ Kỉ Đình vốn là người miền Bắc, bố cậu – Kỉ Bồi Văn – lại sinh ra ở miền Nam.
Lớn lên, Kỉ Bồi Văn khăn gói lên miền Bắc học chuyên ngành Vật lý, sau khi tốt nghiệp được giữ lại trường giảng dạy, vợ ông cũng dạy khoa Văn cùng trường. Miệt mài với sự nghiệp trồng người ở xứ sở này đã mười mấy năm, thế nhưng Kỉ Bồi Văn vẫn không quen nổi với kiểu khí hậu khô lạnh ở miền Bắc. Đến lúc cậu con trai lên lớp năm, sau khi liên hệ được với Đại học G ở tỉnh lỵ quê nhà, ông đã thuyết phục vợ chuyển về sinh sống ở miền Nam.
Cố Duy Trinh, người bạn tốt từ thuở ấu thơ của Kỉ Bồi Văn, cũng là Phó Chủ nhiệm khoa Thương mại của Đại học G, đã dàn xếp đâu ra đấy, hết lòng giúp đỡ ông trong quá trình thuyên chuyển công tác, thế nên ngay sau khi thu vén ổn thỏa căn nhà trong khu tập thể cán bộ nhân viên trường, cả nhà Kỉ Bồi Văn lập tức sang tận nơi chào hỏi gia đình họ Cố.
Bạn cũ lâu ngày mới hội ngộ, hởi lòng hởi dạ xiết bao. Hàn thuyên một hồi, Kỉ Bồi Văn bèn hỏi đến bọn trẻ nhà Cố Duy Trinh, “Sao không thấy hai viên ngọc quý nhà ông đâu?”.
Vợ chồng Cố Duy Trinh có một cặp song sinh nữ, năm nay vừa lên tám. Mấy năm trước, khi hai cô bé vừa mới vào lớp mẫu giáo, Kỉ Bồi Văn từng gặp mặt chúng, quả thực là sáng sủa đáng yêu hiếm có.
Cố Duy Trinh nghe thấy bèn hỏi vợ, “Phải rồi, hai đứa chạy biến đi đâu rồi em nhỉ?”.
Lúc ấy vẫn còn chạng vạng, sắc trời chưa tối hẳn.
Vợ của Cố Duy Trinh là Uông Phàm cười cười bảo: “Bọn trẻ ăn cơm xong, chắc chạy loăng quăng đâu đấy thôi”.
Trong khu tập thể này có không ít cô cậu trạc tuổi cặp song sinh nhà họ Cố, bình thường giờ này chúng vẫn túm tụm với nhau, chạy nhảy đùa giỡn khắp nơi trong khuôn viên trường, đến tối mịt mới mì về nhà làm bài tập. Cố Duy Trinh nghe vợ nói thế, cũng không lấy làm lạ.
Vì mối giao tình giữa hai ông chồng, Uông Phàm cùng Từ Thục Vân – vợ Kỉ Bồi Văn – cũng đã có dịp quen biết nhau, nay mấy người lớn được dịp ngồi hàn huyên, đương nhiên tâm tình mãi vẫn không hết chuyện. Vợ chồng Cố Duy Trinh không có con trai, trông thấy cậu chàng Kỉ Đình tuy tuổi còn nhỏ song đã sớm chín chắn, lại khôi ngô nhã nhặn liền không ngớt lời khen ngợi, bao nhiêu tình cảm yêu mến cứ dào dạt tuôn ra. Cố Duy Trinh cười bảo với Kỉ Bồi Văn, “Ông Kỉ này, từ nay hai gia đình chúng ta được ở gần nhau rồi, phải coi nhau như người một nhà nhé, mà nếu có thể trở thành người một nhà thật thì đúng là chuyện tốt đẹp đấy”.
Vợ chồng Kỉ Bồi Văn hiểu ngay ý tứ trong lời ông bạn, cả mấy người bất chợt nhìn nhau cười ha hả. Uông Phàm cố nén cười trách chồng, “Con cái mới tí tuổi đầu mà anh đã tính toán như thế sao?”.
“Cứ cho là tính toán đi, cũng là một phép tính đáng hài lòng đấy chứ. Cậu cả nhà anh Kỉ được dạy dỗ đến nơi đến chốn, làm sao mà chê vào đâu được, có điều không biết cô nào nhà mình có được cái phúc phận này thôi”, Cố Duy Trinh bảo.
Vợ chồng Kỉ Bồi Văn ngoài miệng chối đây đẩy, thế nhưng khi liếc sang cậu con trai, trong lòng không nén nổi khấp khởi mừng rỡ.
Kỉ Đình ngồi một bên, làm gì không hiểu được ý tứ trong những lời bông đùa của người lớn, se sẽ đỏ ửng mặt, nhưng cậu không góp lời. Do được cha dạy dỗ nghiêm khắc từ nhỏ nên trước nay cậu luôn là một đứa trẻ lễ phép, biết điều, nhưng nghe mãi những lời thế này, dần dà cậu cũng thấy vài phần chán ngán.
Rốt cuộc thì vẫn là mẹ hiểu lòng con trai, Từ Thục Vân phát hiện ra Kỉ Đình cứ nhấp nhổm không yên, nghĩ là do cậu còn tâm tính trẻ con nên không hào hứng với những cuộc trò chuyện của người lớn, bèn bảo, “Nếu thấy chán, con cứ đi loăng quăng đâu đó một chút, ngày đầu tiên đến đây vẫn chưa quen, đừng đi xa quá là được”.
Kỉ Đình như thể được lệnh tha bổng, nhưng lại không tiện tỏ ra mừng rỡ quá, nên chỉ dạ vâng chào hỏi vợ chồng Cố Duy Trinh rồi bước ra khỏi nhà họ Cố.
Khu tập thể cán bộ nhân viên trường khi ấy chỉ vỏn vẹn chưa đến chục dãy nhà cao không quá ba tầng, được xây dựng từ vài chục năm về trước, cũ kỹ lắm rồi. Ngăn giữa các dãy nhà là những đám cây cỏ um tùm, phía trước phía sau các khối nhà đều có một thảm cỏ xanh tươi mơn mởn, những dây thường xuân xanh rì rậm rạp cùng những giống cây leo dại mọc hoang khác bám kín những vách tường bong tróc lở loang hướng về phía mặt trời, từ xa xa nhìn lại, cảnh sắc thật lãng mạn, nên thơ!
Đương nhiên, cậu nhóc mười một tuổi Kỉ Đình chẳng thưởng thức mấy thứ này làm gì, nhà mới của cậu cách nhà chú Cố đúng một dãy, cậu men theo con đường nhỏ rêu bám đầy trong khuôn viên trường, dạo quanh ngó nghiêng đầy vẻ tò mò.
Khu tập thể cán bộ nhân viên trường cách khu sinh hoạt của sinh viên một quãng, thế nên ở nơi này không có vẻ đông đúc ồn ào của trường đại học, chỉ lơ thơ mấy khóm hai, ba đứa trẻ tíu tít, lăng xăng chơi trốn tìm. Kỉ Đình nghĩ bụng, có lẽ hai cô con gái song sinh nhà chú Cố cũng ở trong đám này đây.
Lúc ấy, sắc trời dần ngả màu ảm đạm. Bóng tối buông xuống, đám trẻ con chơi trốn tìm đã thưa thớt đi nhiều, Kỉ Đình cảm thấy mình càng đi càng xa, dần dà đến mấy ông già bà cả tản bộ cũng không còn thấy nữa, bốn bề lặng phắc. Đám hoa cỏ vốn sum sê tươi tắn dưới ánh mặt trời giờ đã chuyển thành từng đám tối tăm. Trong lòng cậu bỗng đâu gợn nỗi hãi hùng, đang định men theo lối cũ quay về, không may đạp vào giữa bụi cây thấp lùm xùm ở gần, chỉ nghe thấy một đợt lào xào, ràn rạt, kèm thêm cả mấy tiếng rên rỉ khe khẽ, bất chợt giật thót mình. Cậu thu hết can đảm bước lên phía trước, khe khẽ vén cành lá ra, nhìn thấy một đôi nam nữ trẻ tuổi đang ôm chặt lấy nhau giữa đám cây cỏ rậm rạp. Kỉ Đình còn nhỏ, nào có ngờ đây chính là nơi hò hẹn yêu đương của những cặp uyên ương vốn nhan nhản thành quen ở trường đại học, cậu chàng kinh ngạc đến đỏ bừng mặt. Cặp uyên ương kia thì chẳng lấy gì làm thẹn thùng, cậu nam sinh còn nạt nộ một câu, “Nhìn cái gì mà nhìn!”.
Kỉ Đình vội vã buông ngay bàn tay đang vén cành cây, quay người chạy thục mạng, đến lúc chắc chắn là đã vứt lại cái cảnh kia ở phía sau rồi, vẫn còn không nén nổi cảm giác xấu hổ. Cậu đã từng này tuổi đầu, ít nhiều đã có thể đoán được việc mình vừa mới bắt gặp là việc gì.
Vất vả lắm mới cân bằng lại được nhịp tim đang đập loạn xạ, Kỉ Đình bỗng phát hiện mình đang ở một chỗ rất lạ, những bụi cây san sát đã ở đằng sau, vầng trăng đang dần ló dạng. Văng vẳng đâu đây có tiếng khóc thút thít, nhưng khi cậu nín thở lắng nghe thì lại chẳng thấy tiếng gì nữa.
Đến lúc này, dù có là con trai thì cậu cũng không tránh khỏi sởn hết gai ốc. Cậu đã định bỏ đi, thế nhưng cái thói hiếu kỳ lại thôi thúc cậu dấn lên trước vài bước, qua một lớp ánh trăng, trước mắt lại là một thảm cỏ xanh rộng lớn. Ở đó, có một cô bé xinh xắn mặc chiếc váy màu phấn hồng đang ngồi khóc.
Kỉ Đình nhủ thầm, có lẽ suốt đời mình cũng chẳng bao giờ quên được cảnh này.
Bất kể là người lớn hay trẻ con, trong lòng đều ẩn chứa một nơi chốn yếu mềm, đợi chờ một thời khắc như thế, một tình cảnh như thế, một câu nói như thế hoặc một con người như thế khẽ khàng chạm tới. Đối với Kỉ Đình, bây giờ chính là thời khắc ấy. Dưới ánh trăng mờ ảo, cô bé đang khóc trông yếu đuối tựa thủy tinh, khiến cậu không nén nổi ước ao được nâng niu cô trong lòng bàn tay mình. Cô gái nhỏ nghe thấy tiếng bước chân, ngưng bặt tiếng khóc, chỉ dùng đôi mắt ứa lệ yên ắng ngắm nhìn người con trai xa lạ. Kỉ Đình bước đến bên cô, khom người trước mặt cô mà hỏi, “Em bé, sao em lại khóc?”.
Cô bé ngần ngừ một hồi rồi đáp, “Tại em sợ trời tối”.
Nước mắt cô không còn tuôn rơi nữa, Kỉ Đình nhìn vào trong đôi mắt đen láy sâu thăm thẳm ấy, bất chợt thấy thương cảm trong lòng. Trái tim của người con trai này lần đầu tiên bừng lên mong muốn được bảo vệ một con người.
“Có anh ở bên cạnh đây, em không phải sợ gì cả.” Cậu mỉm cười nhìn cô, mạnh dạn thốt ra lời hứa hẹn, thậm chí còn chưa hề nghĩ xem tại sao mình lại nói như thế.
“Anh nói thật chứ?” Cô bé hỏi với giọng non nớt ngây ngô.
“Ừ, có điều em phải kể cho anh nghe trước đã, sao em lại ở đây?”
“Nhà em ở trong trường.”
“Thế em tên là gì?”
Cô bé không nói. Kỉ Đình nghĩ bụng, bố mẹ đã dạy cậu không được tùy tiện nói cho người lạ biết tên mình. Thế nên cậu toét miệng cười, “Anh cũng ở trong trường, hôm nay vừa mới chuyển đến. Anh tên là Kỉ Đình.”
Cô bé chần chừ một lúc, rồi nói, “Em… em tên là Cố Chỉ Di”.
Vì Cố Duy Trinh đã sớm giải quyết xong xuôi thủ tục chuyển vào trường tiểu học trực thuộc Đại học G cho Kỉ Đình, nên ngay buổi sáng hôm sau, vợ chồng Kỉ Bồi Văn đã chuẩn bị sách vở cặp túi đâu ra đấy để con trai sẵn sàng đến lớp. Kỉ Đình vừa mới vào lớp sáu, hai chị em sinh độ nhà họ Cố lên lớp ba, thế nên Kỉ Bồi Văn và Cố gia đã bàn bạc ổn thỏa, để ba đứa trẻ đi học cùng nhau, cùng canh chừng để ý đến nhau.
Gần đến nhà chú Cố, từ xa xa Kỉ Đình đã trông thấy cô bé cậu gặp tối qua. Nghĩ đến chuyện tối qua, cậu vẫn thấy hơi ngượng, cậu đã thầm hứa với lòng mình sẽ bảo vệ cô bé hệt như một nam tử hán đại trượng phu nhỏ tuổi, ai ngờ lúc hai người quay trở về cậu mới phát hiện mình không tài nào phân biệt nổi phương hướng, làm cách gì cũng không tìm thấy lối về, nói thẳng ra là bị lạc đường, cuối cùng chính cô bé nhỏ tuổi kia đưa cậu về khu tập thể cán bộ nhân viên trường. Hiển nhiên là cô bé rành địa thế vùng này hơn cậu rất nhiều, rẽ trái hoặc phải một hồi, đến lúc cậu mừng rỡ trông thấy khu tập thể ở trước mặt, thì đã không còn thấy tăm tích cô bé đâu nữa. Đáng lẽ cậu phải sớm nghĩ đến việc này, người họ Cố đâu có nhiều nhặn gì, hóa ra cô chính là một trong hai đứa bé của cặp song sinh nhà chú Cố. Nghĩ đến đây, trong lòng cậu trai nhỏ tuổi bỗng dấy lên một niềm vui nho nhỏ. Dựa vào mối quan hệ của hai nhà, về sau cậu sẽ tha hồ được chơi đùa bên cô bé. Cậu âm thầm giấu kín nỗi phấn khởi, cùng bố bước đến trước mặt chú Cố, ngoan ngoãn chào thật to, “Cháu chào chú Cố ạ”. Sau đó, cậu hớn hở quay sang nói với cô bé còn đang cúi đầu chỉnh lại quai đeo cặp sách, “Chỉ Di, anh lại gặp em rồi”.
Cô nhóc nghe thấy liền ngẩng đầu lên. Tắm mình trong những tia nắng sớm, ở cô hoàn toàn không thấy đâu vẻ yếu đuối sợ sệt tối qua, đôi mắt đen lay láy nhìn thẳng vào Kỉ Đình và Kỉ Bồi Văn. Kỉ Đình cảm thấy hơi ngượng trước ánh nhìn của cô bé, thế nhưng đôi mắt cùng gương mặt tựa thiên thần ấy, cậu không thể nào nhận lầm được.
Cô bé định mở miệng thì Cố Duy Trinh đã bật cười, “Ơ, Kỉ Đình sao đã biết Chỉ Di nhà chú nhỉ? Thế nhưng cháu nhận lầm rồi, con bé này là Chỉ An, Chỉ Di với dì Phàm còn chưa ra… Ấy, Uông Phàm, vừa mới nhắc đến em xong…”.
Kỉ Đình nhìn về phía sau lưng chú Cố, chỉ thấy dì Uông Phàm dắt một cô bé đi ra, từ vẻ ngoài đến cách ăn vận chẳng khác một ly với cô nhóc “Chỉ Di” trước mặt cậu.
Cố Duy Trinh cười, nắm lấy tay con gái, “Chỉ Di, sao con lại biết anh Kỉ Đình thế? Có phải là tối qua hai đứa đã gặp nhau không?”.
Chỉ Di khe khẽ gật đầu, rồi mỉm cười, “… Anh Kỉ Đình”.
Đến lúc này, Kỉ Đình mới biết mình đã nhận nhầm người, bỗng đâu thấy lúng túng. Cố Duy Trinh cười bảo, “Cháu cũng không phải là người đầu tiên bị nhầm đâu, có điều về sau anh em thân nhau rồi, chắc chắn không lầm được nữa, hai đứa chúng nó dễ phân biệt lắm”.
Cô nhóc Chỉ An cuối cùng cũng chỉnh sửa xong cặp sách, dẩu dẩu mỏ mà rằng, “Đồ ngốc thì chắc chắn không nhận ra được rồi”.
“Cái con bé này, ăn nói kiểu gì thế? Anh Kỉ Đình là con nhà bác Kỉ đấy, cũng là anh của con, về sau các con đi học rồi về nhà với nhau, phải nghe lời anh mới được.”
Chỉ An không cãi lại nữa, thế nhưng khuôn mặt chỉ hiện vẻ khinh khỉnh.
Lại đến lượt Uông Phàm giải vây, bà cười bảo, “Các con đi học đi, không lại muộn bây giờ”.
Kỉ Đình nhìn Chỉ An và Chỉ Di, không nén nổi hồ hoặc, hóa ra cậu nhận lầm người thật.
Người ta vẫn nói, chị em hay anh em song sinh, chỉ cần cùng giới tính, tính tình thường khác nhau một trời một vực. Cố Chỉ Di và Cố Chỉ An cũng thế, cho dù lúc còn là trẻ sơ sinh đỏ hỏn, hai đứa thuộc loại người ta ghé mắt nhìn vào đã có cảm giác là từ cùng một bọc chui ra, nhưng sau khi quen thân một chút thì sẽ không thể nhận lầm được nữa.
Chỉ Di là chị, Chỉ An là em, nghe nói hai cô nhóc chào đời cách nhau một tiếng đồng hồ.
Sau khi quen biết với chị em nhà họ Cố, nghĩ lại lần nhận lầm hai người trong buổi sáng hôm ấy, Kỉ Đình vẫn cảm thấy buồn cười. Bởi vì Cố Chỉ An tuyệt đối không thể là người náu mình trong một góc tối khóc lóc được, cô bé chỉ có thể làm người khác phải khóc ròng mà thôi. Chỉ An cũng học lớp ba như Chỉ Di, vẻ ngoài xinh xắn hệt như một cô búp bê Tây, nhưng trong đám nhóc cùng trang lứa ở khu tập thể Đại học G, cô nàng lại là kẻ xưng hùm xưng bá không cần phải bàn cãi. Cô bé bạo dạn, nhanh nhẹn, tò mò, hiếu động, khỏe mạnh, lanh lợi, lại có cái vẻ táo tợn đến con trai cũng không bì nổi. Trẻ con chơi với nhau vốn khó tránh khỏi chành chọe gây gổ, nhưng nếu có ai đấy nhỡ dại bắt nạt cô hay cô chị Chỉ Di, bất kể là trai hay gái, hơn tuổi hay kém tuổi, cô nhất định không đánh cho đối thủ khốn khổ xin tha thì quyết không bỏ cuộc. Điều đau đầu hơn là, cô bé có thói xấu thích giành giật đồ của người khác, bất kể là đồ chơi hay truyện tranh, người ta càng thích cô càng muốn cướp lấy. Thế nhưng những thứ vất vả nhọc công giằng từ tay người khác, cô lại chẳng nâng niu gì, vầy vò vài lượt là vứt sang một bên. Cứ cái kiểu đấy, tự nhiên những tranh cãi xung quanh cô cũng nổi lên liên miên. Đôi lúc vì tuổi còn nhỏ, người thấp bé, Chỉ An cũng phải chịu thiệt thòi, thế nhưng từ trước tới nay cô bé chưa từng chịu nhịn bao giờ, kể cả có bị đẩy dúi dụi xuống đất, bầm dập mình mẩy hay ròng ròng máu mũi, cô cũng phải bạt mạng bò dậy xông vào đối phương mà đá, đấm, cấu, cắn. Những đứa trẻ tầm tuổi cô bé, cho dù là mấy cậu trai hùng hổ, có mấy ai từng gặp cái tính khí ngang ngạnh bất chấp hết thảy kiểu này, vậy nên trong các cuộc xô xát của Chỉ An, đa phần vẫn là cô nàng giành chiến thắng. Tiếng tăm của cô bé dần dà lan rộng, trẻ con ở khu Đại học G này đều nhất loạt phục tùng cô, thường thì cứ sau giờ tan học, cô nàng lại dẫn đầu mười mấy đứa trẻ con lớn bé lố nhố “sục sạo” khắp nơi mọi chốn trong khuôn viên trường, quậy phá nghịch ngợm không để đâu cho hết.
Kỉ Đình lúc mới chuyển đến cũng thường nghe mọi người nhắc đến những “thành tích” chói lọi của Chỉ An, nhưng cũng chẳng tin lắm. Tuy cậu biết Chỉ An không phải một đứa trẻ ngoan ngoãn, thế nhưng món châu báu lung linh trông bề ngoài nhỏ nhắn yếu mềm hệt như Chỉ Di này làm sao có thể là “ma vương cái thế” trời không sợ, đất không e như lời người lớn vẫn nói được. Cho đến một lần, chính mắt cậu trông thấy cô bé cưỡi lên người một thằng con trai hơn cô cả một cái đầu, vừa đánh vừa chửi, cậu mới đành mắt chữ O mồm chữ A mà tin rằng lời đồn ấy không phải là hoang đường. Điều khiến Kỉ Đình thắc mắc là lần ấy cô nàng “dạy dỗ” thắng nhóc kia chỉ vì thằng nhóc ấy ăn trộm mấy con cá vàng của Chỉ Di. Nhưng ngay sau khi giành lại được mấy con cá rồi, cô bé lại xé toạc túi nylon đựng cá, giương mắt nhìn con cá vàng tuyệt vọng giãy giụa trên mặt đất cho đến lúc chết.
Vì cái tính quậy phá của Chỉ An, giáo viên cùng phụ huynh những đứa trẻ khác ở trường không hiếm bận đến tận nhà họ Cố mách tội, vợ chồng Cố Duy Trinh đau đầu nhức óc vô cùng, dỗ dành yêu thương cũng vậy, mắng mỏ nghiêm khắc cũng thế, bao nhiêu lần uốn nắn cứng mềm, cô nhóc Cố Chỉ An vẫn không sửa đổi. Ban đầu họ vẫn ngỡ cô bé cướp đồ của người khác chỉ vì ham hố dăm thứ mới mẻ nhất thời, nên cứ giao hẹn với cô, nếu muốn gì thì cứ nói với bố mẹ, chỉ cần là thứ mà gia đình có thể chấp nhận thì đều mua cho cô được, nhưng những thứ được dâng đến tận tay thế này cô bé hoàn toàn chẳng thèm ngó ngàng tới. Có lúc, Cố Duy Trinh, trông thấy cô nhóc làm việc gì càn quấy, mắng mỏ mấy câu, cô còn gân cổ lên cãi với vẻ coi trời bằng vung. Ông bố ba máu sáu cơn, mấy lượt định phá bỏ cái giao hẹn “dạy dỗ con cái không dùng roi vọt” giữa hai vợ chồng, nhưng lần nào Uông Phàm cũng níu chặt lấy chồng, để ông bình tĩnh lại. Vợ chồng đồng tâm, ông làm sao không hiểu những gì Uông Phàm chẳng nói ra lời, thế nên mắng mỏ xong xuôi rồi, lúc nào ông cũng chỉ một mình buông tiếng thở dài, cuốn cờ dẹp trống, mà đứa con gái nhỏ vẫn cứ tự tung tự tác như xưa. Lúc bấy giờ trong lòng hai người họ thường vẫn không nén nổi nghĩ rằng: Cũng may còn có Chỉ Di.
Đúng thế, Chỉ Di là món bảo bối của hai vợ chồng họ, không ai có thể không thương yêu một đứa bé như vậy. Cô bé bình thường chẳng mấy nói năng, cũng không biết nói ra những câu làm người ta vui lòng, cái đáng yêu đáng mến của cô là ở chỗ, lúc cha mẹ mỏi mệt nhất biết rót mời cốc nước, lúc cha mẹ tức giận nhất biết nắm lấy tay họ. Nhìn vào đôi mắt to tròn biết nói của cô bé, vợ chồng Cố Duy Trinh cảm thấy tất bực dọc đều tiêu tan hết. Cố Duy Trinh vẫn thường tâm sự với Uông Phàm rằng, hai đứa con gái từ nhỏ lớn lên cùng nhau, cớ sao lại khác nhau gớm ghê làm vậy? Thế nhưng điều khiến vợ chồng họ lo lắng chính là tính cách hướng nội của Chỉ Di, cô bé không hoạt bát hiếu động như những đứa trẻ cùng trang lứa, tối ngày chỉ thích thui thủi một mình, thú vui duy nhất là nuôi cá. Đối với bể cá vàng tự tay chăm chút, cô bé nâng niu như vật báu, phần lớn thời gian ngoài giờ học đều đổ hết vào đó. Có lúc đến bố mẹ cô bé cũng băn khoăn tự hỏi, mấy con cá vàng chỉ biết bơi qua bơi lại trong nước, không biết nói cũng chẳng biết làm trò mua vui cho người ta, không hiểu có ma lực gì mà có thể thu hút một đứa nhỏ đến thế. Đôi khi hai vợ chồng họ cũng thử gặng hỏi con, thế nhưng bản thân Chỉ Di cũng không trả lời nổi, chỉ bảo là thích thì cứ thích vậy thôi. Vì con gái cưng có sở thích này, vợ chồng Cố Duy Trinh và Uông Phàm cũng vui lòng mua cá mới cho con liên tục, ngoài ra còn mua cả những cuốn sách hướng dẫn nuôi cá tại nhà nữa. Dần dần, Cố Chỉ Di nghiễm nhiên trở thành tay nuôi cá nghiệp dư nhỏ tuổi, ấn tượng đầu tiên của khách khứa khi lần đầu tiên đặt chân vào nhà họ Cố chính là những bể cá được bày đặt khắp nơi này.
Ngoan ngoãn hẳn nhiên là một điều tốt, thế nhưng một đứa bé gái đang tuổi chạy nhảy hiếu động mà lại hướng nội thế này thì không ổn cho lắm. Vợ chồng Cố Duy Trinh vẫn thường khuyến khích Chỉ Di chịu khó ra ngoài chơi với các bạn, nên đôi lúc Chỉ Di cũng theo chân Chỉ An chạy nhảy khắp trường. Khổ nỗi cô bé có dáng vẻ xinh xắn, tính cách lại quá hiền lành, nên hay bị mấy đứa con trai nghịch ngợm chọc ghẹo. Cũng có đứa vì từng nếm mùi khổ sở dưới tay Chỉ An nên lập tức lôi Chỉ Di ra làm bia trút giận. Thế nên cứ khi nào Chỉ An không có ở bên, Chỉ Di rất dễ biến thành đối tượng bắt nạt của lũ trẻ. Cô bé có nếm đòn thì cũng chỉ giấu kín trong lòng không dám hó hé, vì nếu Chỉ An phát hiện ra, thế nào cũng có một trận đánh nhau to.
Kể cũng lạ, hai đứa trẻ con có tính cách như mặt trăng, mặt trời, vậy mà từ nhỏ đã thân thiết đặc biệt. Chỉ có lúc ở bên Chỉ An, Chỉ Di mới có vô khối chuyện để kể mãi không hết, có thứ gì hay đẹp cũng muốn nhường lại cho Chỉ An. Lần nào Chỉ An làm bố mẹ nổi trận lôi đình, Chỉ Di cũng đứng ra che chở cho em. Chỉ An tuy không nói ra, cũng không thích dắt Chỉ Di đi chơi cùng, càng chẳng ưa mấy con cá vàng của chị gái, thế nhưng nếu trông thấy ai bắt nạt Chỉ Di, cô bé tuyệt đối không buông tha. Người ngoài nhìn vào đều nói, điều này cũng là tự nhiên thôi, còn ai thân thiệt hơn hai chị em sinh đôi được cơ chứ, vợ chồng Cố Duy Trinh nghe thấy, cũng chỉ đành nở nụ cười méo xệch. Có điều tình cảm giữa hai chị em Chỉ Di, Chỉ An khăng khít gắn bó như thế cũng là việc đáng an ủi với họ.
Đăng bởi | Mr. Robot |
Phiên bản | Dịch |
Thời gian | |
Lượt đọc | 18 |