Chương 32
- Cái thằng nầy không biết trời cao đất rộng là gì, may nhờ có thầy giúp cho nó mấy ngày qua, không thôi nó đã toi mạng rồi... một lần cho nó biết sợ..
Quay sang ông Bảy Thọ, ông già cười :
- Tại thằng nhóc không nên thân báo hại ông bà mấy ngày nay phải bận tâm lo lắng cho nó... ông bà đừng phiền nha...
Ông Bảy Thọ ấp úng :
- Gia đình tui mang ơn cậu ấy còn không hết, dám đâu phiền chứ, nhưng cậu ấy...
Ông Bảy Thọ chưa nói dứt câu thì ông già đã xua tay :
- Ông chủ an tâm đi... cho tui thắp nhang ngoài bàn thiên ông chủ chút nha...
- Dạ...
Ông già bước đến xá mấy xá trước bàn thờ Phật trong nhà ông Bảy Thọ rồi đốt một cây nhang bước ra cắm vào bát nhang bàn thiên bên hiên nhà... Sau đó ông rút chiếc móc tai bằng đồng (*) dắt trên củ tỏi cắm ngập vào bát nhang, nạt lớn :
- Mau... !
Mọi người theo dỏi hành động của ông trố mắt nhìn không biết ông làm vậy có dụng ý gì , nhưng ông già thản nhiên quay lại xoa tay cười :
- Xong rồi...
Trong nhất thời, những người hiện diện không biết ông già nói "xong rồi " là ám chỉ điều gì, thì nghe tiếng cô Ba Hạnh :
- Ba ơi, anh Định...
Họ quay vào, cô Ba Hạnh khựng lại ngay cửa buồng khi nhìn thấy ông già, thầy Hai Lý lên tiếng :
- Con Ba, nó lại có chuyện hả...?
Cô Ba Hạnh, mắt không rời ông già, ấp úng :
- Dạ không, ảnh... ảnh...
Ông già nhìn cô cười hề hề :
- Con bé nầy khá đấy, thảo nào thằng nhóc không liều mạng chứ... Rồi ông ta hỏi Hạnh :
- Nó thế nào rồi...
Hạnh cúi đầu tránh đôi mắt của ông già, hai tai cô nóng bừng khi nghe lời vừa rồi của ông già :
- Dạ, ảnh...
Nhưng cô chưa nói được gì thêm, thì Định hình như không có vẽ gì là đau ốm bước ra ngoài, đến ngay trước mặt ông già quỳ thụp xuống :
- Cám ơn Tổ sư gia đã cứu mạng con...
Ông già tắt mất nụ cười trên môi, nghiêm nét mặt nhìn Định :
- Thằng nhóc, mầy thiệt tình mà, đã biết sức mình không kham nổi sao vẫn liều chứ, nếu tao không về kịp thì sao...?
- chiếc móc tai làm bằng đồng dài khoảng 4 inches, người bình dân miền Nam rất ưa dùng, phụ nữ lớn tuổi thường cắm trên búi tóc.
Định ôm lấy hai chân của ông già :
-Con biết Tổ sư gia đâu nỡ bỏ con chứ, vì con chỉ làm những gì mà tổ sư gia đã dạy cho con mà...
Ông già lắc lắc đầu :
- Tao thiệt chịu thua mầy đó nhóc...
Rồi ông nhìn Định thở dài :
- Bao năm rồi, tao những tưởng được yên thân để tu luyện, không ngờ cũng chưa thoát được vòng ân oán...
- Nhưng Tổ sư gia cũng đâu đành lòng nhìn những người lương thiện bị hại chứ...?
Ông già đở Định đứng lên :
- Ừ, thôi thì cứ để xuôi theo tự nhiên đi...
Định quay lại nhìn Ông bà Bảy Thọ :
- Thưa chú, thím, đây là Tổ sư gia của con, người đời thường gọi ông là Hiệp Ẩn, từ lâu Tổ sư đã lánh về ở trên Thất Sơn, nhưng hôm nay vì cứu con đã phải xuống núi...
Ông Bà Bảy Thọ, thầy Hai Lý dù đã đoán được ít nhiều sự liên quan giữa ông già và Định, nhưng được nghe chính Định thốt lên lời vừa rồi, họ như đã trút đi được gánh nặng ám ảnh những ngày qua, vì họ tin chắc chắn Tổ sư gia của Định sẽ dễ dàng giải được bùa ếm của Mười Tung... Họ nhìn nhau và thầy Hai Lý một lần nữa thấy thiệt vui trong lòng vì quẻ Tiên Thiên của thầy bói quả không sai...
Ông già Hiệp Ẩn quay sang ông bà Bảy Thọ :
- Tui có mấy lời muốn hỏi ông bà chủ nhà, xin vui lòng trả lời thành thật đừng nói dối sẽ mang tội cùng trời đất đó nha.
Ông bà Bảy Thọ nhìn vẽ nghiêm trang của Hiệp Ẩn không khỏi chột dạ :
- Dạ , tổ sư cứ hỏi, vợ chồng tôi sẽ không dối nửa lời...
- Chiếc ghe của ông bà bị người ta ếm, ông bà biết người ếm chứ?
- Dạ biết...
- Ông bà có thù oán hay có làm bất cứ một chuyện gì gọi là có lỗi với người ta không?
Ông Bảy Thọ bùi ngùi :
- Gia đình tui đối với anh ấy như bát nước đầy, hơn nữa tui và anh ấy lại là bạn chơi đờn ca đã lâu nên tui nghĩ tui không làm gì có lỗi với anh ấy...
- Vậy ông bà có muốn trừng phạt người đó không, có muốn trả thù họ không?
Bà Bảy Thọ oà lên khóc, trong lúc ông Bảy Thọ cũng ứa nước mắt :
- Gia đình tui cầu xin tổ sư giải giùm nạn nầy, và tha thứ cho họ, có gì đâu mà thù với oán chứ...
Đăng bởi | Mr. Robot |
Phiên bản | Dịch |
Thời gian | |
Lượt đọc | 25 |