Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Chương 11

Phiên bản Dịch · 2136 chữ

TRANG TRẠI CHÓ HOANG

Như vậy, cuối cùng cuốn sách này đã được viết ra. Nó đã được bắt đầu vào một ngày tám tuổi tôi thấy cuộc sống sao mà tẻ nhạt và kết thúc vào một ngày tám tuổi khác tôi khám phá ra cuộc sống không còn tẻ nhạt nữa, nhưng sao mà buồn quá.

Tâm hồn con người từ khi sinh ra giống như mặt hồ phẳng lặng cho đến khi nỗi buồn đầu tiên được cuộc đời ném xuống.

Từ ngày con Tủn ra đi, đối với tôi cuộc sống đã bắt đầu có mùi vị, dù đó là thứ mùi vị không dễ chịu nhưng nhờ nó mà tôi không cảm thấy nhạt miệng khi thử nếm cuộc sống. Như bạn biết đấy, tôi đã làm mọi cách để không phải nghe thứ âm thanh đều đều, đơn điệu và mòn mỏi của bánh xe thời gian lăn qua đời tôi.

Tôi cùng Hải cò, con Tủn và con Tí sún nghĩ ra hết trò này đến trò khác để thu xếp cuộc sống theo ý mình, trong đó lắm trò ngu ngốc nhưng cũng không ít trò thong thái.

Khi còn lại ba đứa ở thị trấn buồn tẻ tuổi thơ tôi, chúng tôi lại tiếp tục bày ra hàng mớ những trò quái chiêu khác, như nhúng đầu vào lu nước xem đứa nào nín thở lâu hơn đứa nào và một lần tôi suýt chết khi con Tí sún đè cả hai tay lên cổ tôi để mong tôi thắng bằng được thằng Hải cò.

Chúng tôi chạy như điên trong đêm để khi ngước mắt lên sung sướng thấy mặt trăng đang đuổi thưo mình.

Chạy chán, chúng tôi đem chiếc thau đặt ngoài sân, đổ nước vào rồi đặt ngửa tấm kiếng soi mặt trong đáy thau để xem cầu vồng hiện lên khi mặt trăng chiếu vào.

Nhưng có lẽ trò thú vị nhất là nuôi chó hoang.

Chẳng hiểu sao thời gian đó rất nhiều chó hoang đi lạc vào thị trấn. Có khi hai,ba con lếch thếch cặp kè nhau như một lũ trẻ đi bụi.

Chúng lang thang khắp các ngả đường, lê la và sục sạo trong chợ, thỉnh thoảng tạt vào nhà chúng tôi.

Tôi giữ lại một con, lấy cơm nguội cho nó ăn và nói với Hải cò và con Tí sún:

- Tụi mình sẽ mở một trang trại nuôi chó.

- Để làm gì? – Con Tí sún ngơ ngác.

- Tụi mình sẽ huấn luyện chúng thành những con chó thông minh, biết nghe lời.

- Để làm gì? – Tới phiên thằng Hải cò thắc mắc, nó hỏi y hệt con Tí sún.

- Sao lại để làm gì. Sau đó tụi mình sẽ đem bán. Được cả khối tiền!

Kiếm được tiền mà không phải ngửa tay xin ba mẹ là ước muốn của mọi đứa trẻ trên đời.( Người lớn không vậy. Có nhiều người lớn thích xin xỏ. Người lớn làm ra tiền và có thừa tiền để mua một chiếc vé xem kịch, xem ca nhạc, vé vào cổng một khu vui chơi nhưng người lớn lại thích kỳ kèo xin cho thêm một tấm vé mời dù rất nhiều trường hợp họ nhận được tấm vé mời kèm theo cái nhăn mặt khó chịu của người cho. Điều đó thật khó hiểu dù cho nó thật dễ hiểu!)

Kể từ hôm đó, chúng tôi thi nhau giữ lại bất cứ con chó hoang nào lạc vào nhà hoặc đi ngang qua trước cửa.

Trang trại nuôi chó đặt bản doanh tại nhà con Tí sún vì nhà nó rộng và ba nó hầu như đi vắng suốt ngày.

Tôi và thằng Hải cò có nhiệm vụ huấn luyện và cung cấp thực phẩm cho lũ chó. Về công tác huấn luyện chó thì đứa nào cũng giành được là huấn luyện viên. Chúng tôi suýt ẩu đả nhau vì chiếc ghế vinh quang này nếu con Tí sún không can ngăn và đưa ra một đề nghị hết sức thông minh là tôi và Hải cò thay nhau mỗi đứa giữ chức huấn luyện viên một ngày.

Thằng Hải cò ngồi nhỏm trên gót chân, tay giữ chặt con chó có cái tên hết sức quý tộc là Hoàng tử bé. Nó liếc tôi và con Tí sún:

- Tụi mày xem này! Nói xong, nó ném chiếc dép ra xa, rồi lập tức buông con Hoàng tử bé ra, miệng “xùy, xùy” thật lớn.

Hoàng tử bé hăng hái lao theo chiếc dép.

Hải cò ra lệnh: - Ngậm lấy!

Hoàng tử bé ngoan ngoãn ngoạm chiếc dép.

- Giỏi lắm! Đem lại đây! – Hải cò hét lớn, trông nó khoái chí ra mặt.

Con Hoàng tử bé giả điếc, ngoạm chiếc dép chạy luôn ra đường.

Hải cò cụt hứng:

- Chắc tại tao la lớn quá. Nó tưởng tao mắng nó.

Hải cò vọt chạy ra đường, rượt theo con chó ngốc nghếch.

Năm phút sau, nó lại một tay ôm cổ con Hoàng tử bé, tay kia lăm lăm chiếc dép.

- Nào, làm lại nào!

Hải cò ném chiếc dép và con chó lại lao đi. Lần này Hải cò không dám la lớn nữa. Vừa thấy con Hoàng tử bé ngoạm được chiếc dép, nó kêu khe khẽ” Lại đây! Lại đây !”, giọng năn nỉ thấy tội, tay búng tróc tróc. Con chó quay cổ nhìn, lưỡng lự một giây, rồi nhả chiếc dép ra, phóng vụt về phía Hải cò. Trong khi tôi và con Tí sún ôm bụng cười ngặt nghẽo thì Hải cò thò tay cốc đầu con Hoàng tử bé:

- Mày đúng là ngu như chó!

Bữa đó, huấn luyện viên Hải cò dạy chó đến mệt nhoài. Trong khi con Hoàng tử bé vẫn tung tăng vui vẻ thì Hải cò thở không ra hơi, trông nó vừa mệt vừa chán đời khủng khiếp.

Tôi cười khì khì: - Xem tao đây nè. Muốn huấn luyện chó thành công phải thưởng cho nó. Mày xem các tiết mục xiếc thú trên tivi thì biết. Dù là dạy chó, cá heo, cọp hay sư tử, bao giờ người dạy thú cũng cho nó ăn một thứ gì đó. Tôi kêu con Tí sún kiếm một cái bánh, bẻ ra từng mẩu nhỏ.

Tôi dứ dứ mẩu bánh trước mặt con Hoàng tử bé, giọng nghiêm trang:

- Nghe đây, nhóc! Nếu mày nhặt chiếc dép đem về cho tao, tao sẽ thưởng ày mẩu bánh này.

Con Hoàng tử bé vẫn nhìn lom lom mẩu bánh trên tay tôi, nước dãi chảy ướt hai bên mép. Tôi trông thái độ của nó, ngờ rằng nó chưa nghe tôi nói gì, bèn cẩn thận và chậm rãi lặp lại một lần nữa, rồi cao giọng:

- Nhớ chưa?

Nghe tôi lớn tiếng, con Hoàng tử bé nhấc mắt lên khỏi mẩu bánh để nhìn tôi với vẻ thăm dò, nhưng chỉ một giây sau, như không chịu được cơn đòi hỏi của dạ dày, ánh mắt nó lại rớt xuống mẩu bánh trên tay tôi, chân cẳng cựa quậy một cách bồn chồn.

Tôi nóng ruột liệng chiếc dép ra xa, quát:

- Mày nhặt chiếc dép đem về đây rồi sẽ được ăn.

Con Hoàng tử bé bỏng chẳng buồn nhúc nhích, ánh mắt nó vẫn xẹt qua xẹt lại giữa mẩu bánh và gương mặt tôi một cách khẩn trương.

Thấy Hoàng tử bé giả điếc, Hải cò và con Tí sún cười hích hích khiến tôi nhột nhạt như có ai cù.

Hải cò còn chọc quê tôi:

- Tưởng sao! Dạy cho con Hoàng tử bé không thèm nghe lời mình, tao cũng làm được.

Tôi liếc con Tí sún, đỏ mặt chống chế:

- Tao quên. Trước tiên cần phải làm gương cho nó.

- Làm gương là sao hả anh?

- Là làm mẫu cho nó xem trước. – Tôi gãi cằm, giảng giải – Bọn chó là chúa ngốc. Nếu không biểu diễn cho nó xem qua một lần con Hoàng tử bé sẽ chẳng hiểu mình muốn gì ở nó.

Tôi trút những mẩu bánh vụn lên chiếc ghế thấp, hai bàn tay phủi phủi đập đập một hồi, rồi bò xuống nền đất, dặn con Tí sún:

- Bây giờ tao đóng vai con Hoàng tử bé, mày liệng chiếc dép cho tao lượm về, sau đó mày đút bánh cho tao ăn.

- Em hiểu rồi. Thế là con Hoàng tử bé sẽ bắt chước làm theo.

Con Tí sún cười khúc khích. Nó rút chiếc dép dưới chân liệng tuốt đằng góc nhà, ra lệnh: - Nào, lượm chiếc dép đem lại đây cho chị!

Tôi bò lom khom trên hai đầu gối, tay chống xuống đất, lết lại chỗ chiếc dép.

Chiếc dép dơ hầy, lúc đầu tôi định nhặt bằng tay nhưng sợ làm như vậy con Hoàng tử bé sẽ không lãnh hội được trọn vẹn bài học, tôi liều nín thở cúi xuống ngoạm chiếc dép vô miệng.

Khi quay lại, tôi sửng sốt thấy con Hoàng tử bé không thèm quan tâm gì đến tôi. Nó đang chồm lên ghế, tỉnh bơ ngoạm hết mẩu bánh này đến mẩu bánh khác. Cứ như thể tôi là con chó thật và nó là tôi thật.

Tôi nhả chiếc dép hôi rình trong miệng ra, giận dữ:

- Hoàng tử bé! Mày học hành kiểu gì thế hả?

Con chó nghe tôi hét, hoảng hồn thả hai chân trước xuống khỏi ghế, ngoái cổ nhìn tôi.

Tôi chưa nguôi tức:

- Mày là chó chứ tao đâu phải là chó. Tại sao trong khi tao ngoạm dép thì mày ngoạm bánh hả?

Tôi hầm hầm chạy lại chiếc ghế, tính cốc cho nó một phát vào đầu nhưng con Hoàng tử bé đã nhanh chân lủi mất, kết thúc luôn buổi huấn luyện đầu tiên của tôi và Hải cò, tất nhiên là kết thúc theo cái cách chúng tôi không hề muốn. Suốt một tuần lễ tiếp theo, công tác huấn luyện chó của chúng tôi không tiến triển thêm được bước nào. Trong khi đó, những lời ca than của các bậc phụ huynh ngày một nhiều.

Ba mẹ tôi và ba mẹ Hải cò bắt đầu nhìn hai đứa con bằng ánh mắt nghi ngờ khi thức ăn trong tủ chạn thường xuyên biến mất. Đến khi phát hiện chúng tôi đang nuôi một bầy chó hoang tại nhà con Tí sún thì sự nghi ngờ chuyển thành đe dọa.

Ba tôi hăm he:

- Mày mà còn đánh cắp thức ăn trong tủ lần nữa là tao chặt tay mày nghe, cu Mùi!

Ba thằng Hải cò chắc cũng hù dọa nó bằng những lời na ná như ba tôi nên những ngày sau mỗi khi qua thăm trang trại huấn luyện chó nó chỉ dám lận trong áo vài mẩu cơm cháy.

Lẽ ra người có đủ bực dọc nhất để phê phán bọn tôi là ba con Tí sún. Không thể bảo việc con gái ông biến ngôi nhà sạch sẽ và yên tĩnh thành một trại nuôi chó chộn rộn và thoang thoảng múi cứt đái là một hành động đáng để người lớn hoan nghênh.

Thế nhưng ông không la rầy hay trách móc bọn tôi một lời và điều đó khiến tôi và Hải cò đồng ý một cách rưng rưng rằng nếu có một người cha tốt nhất trên đời thì đó chính là ba con Tí sún. Quan niệm đó chỉ đổ vỡ khi chúng tôi phát giác bầy chó hoang trong trang trại cứ lần lượt biến mất từng con một.

Thoạt đầu chúng tôi nghĩ những con chó đó đã trốn nhà ra đi để thỏa mãn nỗi đam mê về một cuộc sống dọc đường gió bụi. Nhưng đến một ngày con Tí sún tình cờ bắt gặp ba nó đang chén chú chén anh với ba thằng Hải cò trong quán rượu lão Ba Đực, trước mặt là một mâm thịt được tô điểm bởi lá mơ và củ riềng thì bọn tôi đã đau xót hiểu ra những chú chó khốn khổ đó đã thực sự ra đi đến cõi nào trong trần gian đầy bụi bặm này.

Trang trại chó giải tán kể từ ngày đó, không kèn không trống. Giấc mơ kiếm tiền của những chú nhóc cô nhóc tám tuổi cũng tan thành mây khói. Chỉ tiếc là con Tủn đã ra đi, nếu không bốn đứa tôi thế nào cũng lập một phiên tòa để kể tội ba con Tí sún. Ông thật là may.

Bạn đang đọc Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ của Nguyễn Nhật Ánh
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi Mr. Robot
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt đọc 20

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.