Chương 3
Vous m’écrivez, mon ange, des lettres
de quatre pages plus vite
que je ne puis les lire*.
Thư từ trao đổi
Lidavêta Ivanốpna vừa cởi chiếc áo choàng và bỏ mũ ra, thì bá tước phu nhân đã lại cho người sang gọi cô và lại bắt thắng ngựa vào xe. Lúc ra cửa, khi hai tên hầu đang lấy hết sức bình sinh nâng bà phu nhân già lên xe, thì Lidavêta Ivanốpna đã nhác thấy người sỹ quan trẻ tuổi đến sát bên nàng; nàng cảm thấy người đó nắm lấy tay nàng; nàng bàng hoàng sợ hãi chưa kịp trấn tĩnh lại thì người sỹ quan đã đi biến mất rồi; trong tay nàng còn lại một mảnh giấy. Nàng vội vã đem mảnh giấy giấu vào trong đôi tất tay. Suốt dọc đường đi nàng không nhìn, không nghe thấy gì cả. Bá tước phu nhân, có cái thói hễ ngồi xe là luôn luôn mồm hỏi chuyện:
- Người vừa chào chúng ta là ai ấy nhỉ? Cái cầu này là cầu gì? Cái biển kia đề những chữ gì thế?
Lidavêta Ivanốpna trả lời chẳng đầu đuôi gì cả, khiến bá tước phu nhân nổi giận.
- Con bé này, hôm nay cô làm sao thế? Cô lú ruột ra rồi hẳn? Hay là cô không nghe thấy ta nói? Nhờ trời ta không nói ngọng mà cũng chưa đến nỗi lẫn kia mà?
Lidavêta Ivanốpna cũng chẳng nghe bà ta nói gì nữa. Về đến nhà nàng vội chạy lên phòng riêng đóng cửa lại, và rút cái thư trong chiếc tất tay ra: thư không dán kín. Lidavêta Ivanốpna liền giở ra đọc. Đó là một bức thư tỏ tình lời lẽ vừa âu yếm vừa cung kính, - dịch nguyên văn từng câu từng chữ một từ một cuốn tiểu thuyết Đức ra. Nhưng Lidavêta Ivanốpna không biết tiếng Đức, nên nàng thấy rất vui sướng trong lòng.
Nhưng nàng cũng lại hết sức bối rối. Đây là lần đầu tiên trong đời, nàng có quan hệ thư từ lén lút với một người trai trẻ! Sự liều lĩnh của chàng trai làm nàng phát rùng mình. Nàng tự trách mình sao lại quá hớ hênh như vậy; nhưng cũng không biết tính cách nào cho ổn. Không ngồi thêu bên cửa sổ nữa, rồi tỏ thái độ thờ ơ, làm cho anh chàng sỹ quan trẻ tuổi kia phải chán nản không theo đuổi nữa, như vậy có nên chăng? Hay trả lại bức thư cho anh ta? Trả lời anh ta một cách lạnh nhạt và quyết liệt chăng? Làm cách nào bây giờ? Nàng không có ai là bạn bè, cũng không có người nào chỉ bảo; cuối cùng thì nàng quyết định trả lời.
Nàng ngồi vào bàn, lấy giấy bút ra và ngồi suy nghĩ rất lung. Đã mấy lần nàng bắt đầu viết, nhưng rồi lại xé. Lúc thì nàng thấy lời lẽ của mình quá xẵng, lúc thì lại thấy giọng như quá dễ dãi. Sau cùng, mất bao nhiêu công phu, nàng mới thảo ra được vài dòng mà nàng lấy làm vừa ý lắm. Nàng viết như thế này:
“Tôi tin rằng những ý định của tôn ông là ý định của một người đứng đắn và tôn ông không nỡ nhục mạ tôi bằng một thái độ thiếu suy nghĩ chín chắn. Nhưng xin tôn ông hiểu cho rằng, chúng ta không thể bắt đầu làm quen với nhau theo cách như thế được. Tôi xin gửi trả lại tôn ông bức thư, và tôi mong rằng tôn ông sẽ không để tôi phải khổ tâm vì một thái độ bất kính mà tôi không đáng phải chịu".
Ngày hôm sau, vừa thoáng trông thấy Gherman, nàng bỏ khung thêu xuống, sang buồn khách, mở cửa sổ con, và vứt cái thư xuống đường phố, tin chắc rằng người sỹ quan trẻ tuổi ấy sẽ không để lạc mất nó đâu. Quả nhiên Gherman nhặt lấy phong thư ngay và vào một tiệm bán bánh kẹo để đọc. Xé phong bìa ra, Gherman thấy bức thư của mình và bức thư trả lời của Lidavêta Ivanốpna. Gherman đã lường trước được sự việc này; anh trở về nhà, suy nghĩ rất nhiều về thủ đoạn vừa rồi của mình.
Ba ngày sau, một thiếu nữ có đôi mắt hết sức tinh anh đến đưa cho Lidavêta Ivanốpna một phong thư nói là do một bà bán hàng thời trang gửi đến. Lidavêta Ivanốpna vừa bóc bì thư vừa thấy lo lo, đồ rằng không khéo lại là một bức thư đòi nợ chăng; nhưng khi mở mảnh giấy ra, nàng hết sức ngạc nhiên nhận thấy nét chữ của Gherman.
- Thưa cô, cô lầm rồi, cái thư này có phải gửi cho tôi đâu.
Cô hàng thời trang mỉm một nụ cười tinh quái trả lời:
- Không! Đúng là gửi cho tiểu thư đấy ạ! Xin tiểu thư hãy bớt chút thời giờ đọc cái thư đi đã.
Lidavêta Ivanốpna liếc mắt đọc qua. Gherman xin được gặp mặt nói chuyện. Lời yêu cầu vội vã đó, cũng như cách chuyển thư, đều làm cho nàng hoảng sợ, nàng vội nói:
- Không thể được! Cái thư này không phải gửi cho tôi. - Rồi nàng xé tan cái thư ra nghìn mảnh.
Cô hàng thời trang lúc đó mới lên tiếng:
- Nếu cái thư này không phải của tiểu thư, sao tiểu thư lại xé nó đi? Đáng lẽ phải để tôi gửi trả lại cho người gửi chứ?
Lidavêta Ivanốpna đỏ mặt lúng túng trả lời:
- Trời ơi, cô bạn tốt, cô tha lỗi cho tôi; tôi van cô, cô đừng bao giờ mang thư đến cho tôi nữa, và xin cô hãy về nói lại với cái người đã phái cô đến đây rằng anh ta đáng ra phải biết xấu hổ...
Nhưng Gherman có phải là người dễ bỏ mồi như thế được đâu. Khi thì bằng cách này, khi thì bằng cách khác, chẳng ngày nào Lidavêta Ivanốpna không nhận được một bức thư của chàng. Bây giờ thì chàng không gửi cho nàng những bản dịch từ tiếng Đức ra nữa. Gherman viết dưới sự chi phối của một tình cảm say đắm, nên đã nói lên những lời lẽ, đúng là lời lẽ của anh. Những bức thư này đều biểu lộ những nỗi thèm khát mãnh liệt và một trí tưởng tượng phóng túng. Lidavêta Ivanốpna chống chọi sao được những suối lời sôi nổi ấy. Nàng không gửi trả các thư từ đó lại nữa, nàng khao khát đợi thư, rồi chẳng bao lâu, nàng bắt đầu trả lời. Những bức thư phúc đáp cứ mỗi ngày một dài thêm, âu yếm thêm. Rồi cuối cùng, nàng vứt bỏ qua cửa sổ, lá thư sau đây:
"Hôm nay, ở nhà đại sứ N. có khiêu vũ. Bá tước phu nhân sẽ tới đó. Phu nhân và em sẽ ở đó đến hai giờ sáng. Anh sẽ có dịp đến gặp em một mình. Khi bá tước phu nhân đã đi khỏi rồi, thì bọn người nhà chắc cũng tan tác hết. Ở phòng ngoài, sẽ chỉ còn người gác cửa, mà người đó thì thường thường cũng bỏ về buồng mà ngủ. Anh hãy tới vào lúc mười một rưỡi, đi thẳng vào cầu thang lên gác. Nếu anh thấy có ai ở phòng đợi, thì anh hãy hỏi bá tước phu nhân có nhà không. Người ta sẽ trả lời anh là bá tước phu nhân đi vắng rồi, và lúc đó, anh đành phải dằn lòng mà đi ra vậy. Nhưng có lẽ anh sẽ chẳng gặp ai hết. Những chị hầu của bá tước phu nhân thì đến ở cả một căn buồng xa. Đến phòng khách, anh rẽ sang trái, rồi cứ thẳng trước mặt mà đi cho đến khi nào anh vào đến phòng ngủ của bá tước phu nhân. Ở đấy, anh sẽ thấy đằng sau một tấm bình phong lớn có hai cái cửa. Cửa bên phải thì mở vào một căn buồng tối đen, mà phu nhân không bao giờ vào, cửa bên trái thì mở ra hành lang, đầu hành lang có một cái thang cuốn nhỏ: cái thang đó đưa đến phòng em".
Gherman đứng chờ đợi giờ hẹn, bồn chồn như một con hổ đói. Mới mười giờ anh đã đứng trước cửa nhà bá tước phu nhân. Hôm ấy thời tiết rất kinh khủng. Gió rú lên từng hồi, tuyết ẩm rơi xuống từng bông lớn. Đèn ngoài đường sáng mờ mờ, phố xá vắng lặng. Thỉnh thoảng một người xà ích đánh con ngựa gầy còm kéo chiếc xe đi qua, mong tìm lấy một người khách bộ hành chậm trễ.
Gherman trên mình chỉ khoác có một chiếc áo lễ phục mỏng, nhưng không hề cảm thấy hơi lạnh thấu xương của gió tuyết. Đợi mãi rồi mới thấy cái xe của bá tước phu nhân đánh ra. Anh trông thấy hai người đày tớ dìu cái bóng ma lụ khụ ủ kín trong cái áo su-ba lông chồn nâu đặt lên xe. Ngay sau lúc đó thoáng thấy bóng Lidavatê Ivanốpna, mình khoác một cái áo choàng mỏng, lên xe. Cửa xe được đóng lại, chiếc xe nặng nề chuyển bánh trên tuyết xốp. Người gác ra đóng cửa lại. Đèn ở các cửa sổ tắt phụt. Gherman đi đi lại lại trước toà nhà vắng ngắt; một lát, anh bước tới gần một cột đèn để xem đồng hồ. Mười một giờ hai mươi phút. Đứng tựa cột đèn, hai con mắt nhìn chăm chú vào kim đồng hồ, anh sốt ruột đếm những phút còn lại. Đúng mười một giờ rưỡi, Gherman bước lên mấy bậc thềm, và bước vào phòng ngoài thắp đèn sáng trưng. Không hề thấy bóng người gác cửa đâu cả. Gherman nhanh nhẹn chạy lại bậc thang lên gác, tới phòng đợi, ở đấy, dưới một cây đèn, một người đày tớ đang nằm ngủ trong một chiếc ghế bành cũ kỹ đầy những vết loang lổ. Gherman nhẹ nhàng và mạnh dạn bước qua trước mặt hắn. Phòng khiêu vũ và phòng khách tối om. Ngọn đèn ở phòng đợi hắt vào một vệt sáng lờ mờ. Gherman bước vào phòng ngủ. Trước cái tủ thờ đựng đầy những ảnh thánh cổ kính, một cây đèn bằng vàng cháy leo lét. Dọc theo những bức tường căng lụa Tầu, những ghế bành, những ghế tràng kỷ thếp vàng đã phai màu và hoen ố có gối đệm căng phồng, được bày biện cân đối trông thật buồn tẻ. Trên tường có treo hai bức chân dung do m-me Ledrun(8) vẽ ở Pari. Trên bức thứ nhất người ta thấy một người đàn ông khoảng bốn mươi tuổi, to béo, sắc mặt hồng hào, mặc một cái áo màu xanh sáng, trên ngực có đeo một chiếc huân chương. Bức thứ hai là chân dung của một thiếu phụ xinh đẹp, vẻ người thanh lịch, mũi dọc dừa, tóc mai vén cao lên ở hai bên thái dương, một đoá hoa hồng cài trên mái tóc rắc phấn. Nhìn quanh trong buồng, góc nào cũng thấy có những bức tượng người chăn cừu bằng sứ, những đồng hồ để bàn – tác phẩm của Leroy(9) danh tiếng, những hộp, những chiếc ru-lét(10), những cái quạt, và trăm nghìn thứ đồ chơi khác của phụ nữ, phát minh vào cuối thế kỷ trước, cùng một lúc với những khinh khí cầu của Môngôphie(11) và thuật thôi miên của Métxme(12). Gherman bước ra đằng sau chiếc bình phong che một cái giường bằng sắt nhỏ. Anh trông thấy hai cái cửa đã nói trong thư, cửa bên phải mở vào căn buồng tối, cửa bên trái dẫn ra hành lang. Anh mở cái cửa này, nhìn thấy cái cầu thang cuốn hẹp đưa lên buồng cô tiểu thư đáng thương kia... Nhưng anh quay trở lại và bước vào căn buồng tối om.
Thời gian trôi qua một cách chậm chạp. Trong nhà im phăng phắc. Chiếc đồng hồ treo ngoài phòng khách điểm mười hai tiếng, khắp các phòng những chiếc đồng hổ khác cũng lần lượt điểm mười hai giờ, rồi mọi vật lại im lặng. Gherman đứng tựa vào một cái lò sưởi lạnh tanh. Anh rất bình tĩnh. Nhịp tim anh đập rất đều, như nhịp tim của một người đã quyết định làm một việc nguy hiểm, nhưng không thể tránh được. Anh nghe thấy đồng hồ điểm một giờ, rồi hai giờ; rồi tiếp sau đó là tiếng xe ngựa từ xa xa vọng lại. Gherman bất giác thấy nôn nao trong lòng. Chiếc xe ngựa đi gần lại rất nhanh, rồi đỗ lại. Gherman nghe rõ tiếng thang bậc trên xe buông xuống. Trong nhà rộn rịp hẳn lên. Người nhà chạy rầm rập gọi bảo nhau ý ới; tất cả các buồng đều sáng trưng lên, ba mụ hầu phòng già bước vào trong phòng ngủ. Rồi cuối cùng là bá tước phu nhân hiện ra: một thứ xác ướp biết đi, nặng nhọc lê tới một chiếc ghế bành to kiểu Vônte và ngã ngồi vào đấy. Gherman nhìn qua khe cửa. Anh thấy Lidavêta Ivanốpna đi ngang sát gần anh. Rồi anh nghe thấy những tiếng bước chân nàng vội vã trên chiếc cầu thang cuốn. Trong đáy lòng, anh cũng cảm thấy có cái gì như một niềm hối hận, nhưng rồi cũng chỉ như gió thoảng qua. Anh như đã hoá đá.
Bá tước phu nhân bắt đầu thay trang phục trước tấm gương. Người ta tháo cái mũ chụp trang điểm hoa hồng trên đầu xuống, dỡ cái mớ tóc giả rắc phấn ra khỏi đám tóc thật, cao, ngắn, lởm chởm, bạc trắng của bà ta. Những đanh ghim rơi ra lả tả chung quanh. Cái áo vàng, thêu chỉ bạc, tụt xuống dưới đôi chân sưng phù. Gherman bất đắc dĩ chứng kiến tất cả những chi tiết không lấy gì làm đẹp mắt lắm của một cuộc lau rửa ban đêm. Rồi cuối cùng bá tước phu nhân chỉ còn lại trên mình một chiếc áo ngủ và cái mũ đội đêm. Ăn mặc như vậy hợp với tuổi bà ta hơn, nên trông cũng đỡ sợ và bớt quái dị một chút.
Cũng như phần lớn những người già cả, bá tước phu nhân cũng bị chứng khó ngủ. Sau khi đã thay xong trang phục, bà ta ngồi vào ghế bành trên cửa sổ, rồi cho phép các mụ hầu lui ra. Họ tắt hết nến, và trong phòng chỉ còn lại ánh sáng leo lét của cây đèn đặt trước các tranh thờ thánh. Bá tước phu nhân ngồi đó, mặt mũi vàng khè, nhăn nhăn, nhúm nhúm, đôi môi chảy thõng xuống, người khe khẽ lắc lư sang phải, rồi sang trái. Trong đôi mắt đã mất hết tinh anh của bà, không còn một vết tích gì báo hiệu rằng con người kia hãy còn suy nghĩ. Trông bà ta lắc lư như vậy, người ta tưởng rằng những cử động này không phải là do ý chí tạo ra, mà có lẽ bởi một cơ chế bí mật nào khác chi phối.
Đột nhiên, bộ mặt của người chết này biến sắc. Đôi môi ngừng run rẩy, đôi mắt sinh động lên. Đứng trước bá tước phu nhân là một người đàn ông lạ mặt vừa xuất hiện.
- Thưa phu nhân, xin phu nhân đừng sợ hãi! – Gherman nói nhỏ, nhưng tách rõ từng tiếng một. – Tôi van phu nhân, phu nhân đừng sợ hãi. Tôi không có ý định làm một mảy may gì tổn hại đến phu nhân. Trái lại, chính là tôi đến van xin phu nhân ban cho một đặc ân.
Bà lão già im lặng nhìn anh, coi bộ như không hiểu. Anh tưởng bà ta điếc, nên cúi sát vào tai bà ta, nhắc lại lời cầu xin. Bá tước phu nhân vẫn ngậm miệng không nói.
Gherman nói tiếp:
- Phu nhân có thể bảo đảm được hạnh phúc cho suốt một đời tôi mà không phải tốn mất một chút gì. Tôi biết rằng phu nhân có thể chỉ bảo cho tôi ba con bài, mà...
Gherman ngừng bặt. Bá tước phu nhân chắc đã hiểu người ta mong muốn gì ở bà; có lẽ bà đang tìm một câu trả lời. Bà ta nói:
- Đó là một câu chuyện đùa... Tôi thề với ông như vậy, một chuyện đùa thối
- Thưa phu nhân, không phải, - Gherman tức giận đáp lại. – Phu nhân hãy nhớ lại Tsáplítxki: ông ấy đã nhờ phu nhân mà gỡ được tiền thua...
Bá tước phu nhân tỏ vẻ rất bối rối. Trong một thoáng giây nét mặt bà lộ vẻ xúc động mãnh liệt, nhưng rồi lại trở lại ngay với cái vẻ ly kỳ đần độn như trước.
Gherman nói:
- Phu nhân không thể chỉ cho tôi ba con bài được tiền ấy hay sao?
Phu nhân vẫn nín lặng. Anh lại tiếp:
- Phu nhân giữ bí quyết này cho ai? Cho các cháu của phu nhân à? Không có bí quyết ấy thì họ cũng đã giàu lắm rồi. Họ lại không biết giá trị của đồng tiền. Ba con bài của phu nhân có giúp ích gì được cho những lũ phá của ấy đâu. Mà kẻ nào đã không biết giữ gìn gia sản của cha ông để lại, thì rồi sẽ chết trong cảnh nghèo túng, dù kẻ ấy có phép thuật sai khiến được quỷ dữ đi nữa cũng mặc. Còn tôi, tôi là một người chí thú; tôi biết giá trị của đồng tiền. Ba con bài của phu nhân sẽ không uổng phí. Nào!...
Anh ngừng lại, người run lên chờ đợi một câu trả lời. Bá tước phu nhân vẫn ngậm miệng làm thinh.
Gherman quỳ xuống:
- Nếu trái tim phu nhân đã có lần rung động vì tình yêu, nếu phu nhân hồi tâm nhớ lại những phút say sưa dịu dàng ấy, nếu phu nhân đã có bao giờ mỉm cười khi nghe tiếng khóc của một trẻ sơ sinh mới lọt lòng mẹ, nếu còn có một chút tình nhân đạo nào làm xao xuyến trái tim phu nhân, tôi van xin phu nhân hãy vì tình yêu của một người vợ, một người tình nhân, một người mẹ, hãy vì tất cả những cái gì là thiêng liêng trên cõi đời này, xin đừng gạt bỏ lời cầu khẩn của tôi. Thế nào. Hay điều bí quyết đó có ràng buộc với một tội lỗi nào ghê gớm, đến sự tan vỡ hạnh phúc vĩnh viễn của phu nhân? Hay người đã có một khoản ước nào cùng quỷ dữ chăng?... Phu nhân hãy nghĩ xem, người cao tuổi lắm rồi, người chẳng còn thọ được bao lâu nữa. Tôi sẵn sàng để linh hồn hứng lấy tất cả tội lỗi của người, tôi sẵn sàng một mình chịu những tội đó trước Thượng đế! Hãy nói cho tôi biết điều bí quyết của người. Phu nhân hãy nghĩ rằng hạnh phúc của một con người nằm trong tay của phu nhân, và không phải chỉ một mình tôi, mà tất cả con cái, cháu chắt của tôi đều cầu nguyện cho vong linh người, và sẽ kính thờ người như một vị nữ thần.
Bá tước phu nhân vẫn không đáp lại một lời.
Gherman đứng dậy. Anh nghiến răng, kêu lên:
- Con mụ phù thuỷ khốn khiếp này, tao sẽ có cách bắt mày phải nói...
Và anh rút trong túi áo ra một khẩu súng tay.
Trông thấy khẩu súng, bá tước phu nhân lại một lần nữa tỏ vẻ hết sức xúc động. Đầu bà né ra phía sau, bà giơ hai tay ra đằng trước như để đỡ lấy phát súng, nhưng, rối bỗng nhiên, bà ngả người ra đằng sau và ngồi im không động đậy nữa.
Gherman nắm lấy hai tay bà mà nói:
- Thôi đi, đừng giở trò trẻ con ấy nữa. Tôi khẩn cầu bà một lần cuối cùng: bà có nói cho tôi biết ba con bài của bà hay không? Có hay không?
Bá tước phu nhân không trả lời. Gherman chợt nhận ra rằng phu nhân đã chết.
*Thiên thần của tôi, nàng viết bốn trang thư cho tôi còn nhanh hơn là tôi kịp đọc hết những dòng ấy (tiếng Pháp)
Đăng bởi | Mr. Robot |
Phiên bản | Dịch |
Thời gian | |
Lượt đọc | 8 |