Chương 10 part 1
Mấy tháng sau, vào một buổi sáng, trong khi chúng tôi thay áo lót lụa mỏng mặc khi trời nóng bằng loại áo lót dày hơn ùa đông, bỗng tôi ngửi thấy mùi khét rất khó chịu bay ra tận ngõ vào, tôi vội thả cả đống áo quần trên tay xuống. Mùi khét từ phòng Bà Ngoại bay ra. Tôi chạy lên lầu tìm bà Dì vì tôi biết ngay đã có chuyện không ổn xảy ra. Bà Dì ba chân bốn cẳng chạy xuống, phát hiện ra Bà Ngoại nằm chết trên nền nhà, chết với tư thế rất kỳ cục.
Trong nhà chỉ có Bà Ngoại mới có lò sưởi điện. Đêm nào bà cũng dùng, ngoại trừ mùa hè. Bây giờ là tháng 9, chúng tôi đã thay áo lót mặc mùa hè, cho nên bà dùng lò sưởi lại. Nói thế không có nghĩa là trời đã lạnh, chúng tôi thay áo mỏng mặc áo dày theo lịch chứ không phải theo thời tiết ngoài trời, và Bà Ngoại cũng dùng lò sưởi như thế. Bà đã dựa vào lịch mà làm một cách phi lý, có lẽ vì trước đây bà đã chịu lạnh khổ sở rất nhiều rồi.
Bà Ngoại có thói quen là sáng nào cũng vấn sợi dây điện quanh lò rồi đẩy lò vào sát vách. Nhiều lần như thế khiến cho hơi nóng của lò làm cháy phần bọc ngoài của dây điện, để thòi dây đồng ở trong ra, cho nên khi sờ vào dây sẽ bị điện giật.
Cảnh sát cho biết sáng ấy khi bà đụng vào sợi dây điện, bà bị điện giật chết ngay tức khắc. Khi bà nhào xuống nền nhà, mặt bà úp lên mặt kim loại nóng bỏng. Vì thế mới có mùi khét lẹt như thế. May cho tôi là tôi không thấy bà sau khi bà chết, ngoại trừ hai cái chân. Tôi đứng ngoại cửa nhìn vào chỉ thấy hai chân bà khẳng khiu bọc trong tấm lụa nhăn nhúm.
Sau khi Bà Ngoại mất được hai tuần, chúng tôi rất bận rộn, không những vì phải lau chùi nhà cửa cho thật sạch – vì theo đạo thờ thần linh, thì tử khí là mùi ô uế nhất trong tất cả các mùi hôi – mà còn chuẩn bị nhà cửa để tiếp khách đến viếng. Chúng tôi phải sắp xếp các đèn cầy, khay cúng cơm, treo lồng đèn ngòai cổng, bàn uống trà, khay để tiền do khách phúng điếu và đủ thứ việc lặt vặt khác. Chúng tôi quá bận rộn đến nỗi một buổi tối bà đầu bếp ngã bệnh, phải mời bác sĩ đến, nhưng thật ra bà ta ngã bệnh là vì đêm trước bà ta ngủ không quá hai giờ, cả ngày thì đứng, và ăn chỉ một tô cháo trắng. Tôi cũng rất ngạc nhiên là Mẹ chi tiền không tiếc để đền Chion tổ chức tụng kinh cầu siêu cho Bà Ngoại và mua những bình sen của người lo tống táng – những việc quá tốn kém trong thời buổi đại suy thoái. Mới đầu tôi tự hỏi phải chăng Bà Ngoại là người quá đạo hạnh khiến cho Mẹ phải đau xót như thế, nhưng về sau tôi mới nhận ra như thế này: sẽ có nhiều người ở Gion sẽ đến nhà chúng tôi để phúng điếu Bà Ngoại, rồi sau đó sẽ đến dự lễ ma chay ở đền. Mẹ phải tỏ ra mình là người trọng lễ nghĩa.
Suốt mấy ngày, tất cả mọi người ở Gion đều đến nhà của chúng tôi, hay hình như thế thì phải. Chúng tôi phải dọn trà bánh ọi người dùng. Mẹ và Dì tiếp đón các bà chủ của các phòng trà và nhà dạy kỹ nữ, cũng như đón một số người giúp việc có quen biết với Bà Ngoại, họ lại còn tiếp các chủ tiệm buôn, những người làm tóc giả và thợ uốn tóc, hầu hết những người này đều là đàn ông, và dĩ nhiên họ đón rất nhiều geisha. Những geisha lớn tuổi thì biết Bà Ngọai từ thời bà còn hành nghề geisha, nhưng những geisha còn trẻ thì chưa bao giờ nghe nói đến bà, họ đến là để tỏ lòng tôn kính với Mẹ - hay có những người đến là vì họ có liên hệ này nọ với Hatsumono.
Công việc của tôi trong những ngày bận rộn này là mời khách vào phòng khách, nơi đây Mẹ và Dì đang ngồi đợi. Khoảng cách từ cửa cho đến phòng khách chỉ có vài bước thôi, nhưng khách không thể vào phòng một cách dễ dàng, và ngoài ra, tôi phải nhớ kỹ giày nào là của ai, vì tôi có bổn phận mang giày họ vào để trong phòng gia nhân cho rộng chỗ ở trước cửa, và đên khi họ về tôi phải mang ra cho họ. Thoạt tiên tôi rất khó nhớ. Tôi không được nhìn thẳng vào mặt khách vì như thế là vô phép vô tắc, nhưng chỉ nhìn sơ qua thôi, tôi khó mà nhớ cho được. Cho nên cuối cùng, tôi phải nhìn kỹ vào áo kimono để nhớ.
Khoảng vào chiều hôm thứ hai hay thứ ba của lễ tang, tôi thấy một chiếc kimono xuất hiện trên ngưỡng cửa, chiếc kimono làm tôi ngơ ngác vì nó quá đẹp, đẹp nhất trong số khách đên viếng. Chiếc áo có màu tối vì người mặc đến dự lễ tang – nền vải màu đen – nhưng các hình trang trí trên áo có màu lục và màu vàng bao quanh lai áo và tà áo, khiến cho cái áo trông rất đẹp. Tôi nghĩ nếu các bà các cô, vợ con của ngư phủ ở làng Yoroido, trông thấy, chắc họ sẽ hết sức kinh ngạc. Người khách có mang theo một cô hầu khiến tôi nghĩ bà ta chắc là chủ phòng trà hay chủ một nhà kỹ nữ nào đó, vì rất ít cô nàng geisha nào bỏ ra nhiều tiền để mua người hầu như thế. Trong khi cô ta nhìn vào bàn thờ thần ở cửa ra vào, tôi chợt nghĩ đến bức tranh cuốn treo trong phòng bà Dì, trên bức tranh vẽ hình người kỹ nữ bằng mực Tàu từ thời Hán cách đây một ngàn năm. Cô ta không sắc sảo như Hatsumono nhưng nét mặt cô ta trông hoàn hảo đến nỗi không thể nào chê vào đâu được. Và bỗng nhiên tôi nhận ra cô ta là ai.
Chính là Mameha, nàng geisha có chiếc kimono mà Hatsumono đã ra lệnh cho tôi làm hỏng.
Việc làm hỏng chiếc kimono của cô ta không phải lỗi của tôi, thế nhưng tôi vẫn muốn độn thổ để cô ta khỏi trông thấy mình. Tôi cúi đầu thật thấp khi mời cô và người hầu vào phòng khách. Tôi nghĩ chắc cô ta không nhận ra tôi, vì khi tôi đem áo trả cho cô, cô không nhìn thấy mặt tôi, mà cho dù cô ta có thấy đi nữa, thì thời gian trôi qua đã hai năm rồi. Người giúp việc theo hầu cô ta bây giờ không giống cô gái lấy áo kimono vào đêm ấy, và hơn nữa khi ấy cô ta đầy nước mắt. Khi cúi chào họ ở phòng khách để đi lui ra ngoài, tôi thấy lòng nhẹ nhõm.
Hai mươi phút sau, khi Mameha và chị hầu chuẩn bị ra về, tôi tìm giày của họ, sắp trước cửa vào, đầu vẫn cúi thấp, và lòng lo sợ như hồi nãy. Khi chị hầu kéo cửa mở ra, tôi cảm thấy điều lo sợ đã qua. Nhưng thay vì đi ra, Mameha cứ đứng ở cửa. Tôi bắt đầu lo. Tôi sợ trí óc của tôi không điều khiển được cặp mắt, vì mặc dù tôi không muốn ngước lên nhìn mà cặp mắt vẫn tự động ngước lên. Tôi hoảng khi thấy Mameha đang nhìn tôi.
- Này bé, em tên gì? – Cô ta hỏi, với giọng nói mà tôi cho là rất nghiêm nghị.
Tôi nói cho cô ta biết tôi tên Chiyo.
- Đứng lên một lát xem nào, Chiyo. Tôi muốn xem em cho biết.
Tôi đứng dậy theo lời cô ta yêu cầu nhưng mà giá tôi có tài biến hóa để biến mất, tôi sẽ làm ngay.
- Đứng yên, tôi muốn xem em một lát – cô ta lại nói – Em làm gì như đứng không vững thế?
Tôi ngẩng đầu lên, nhưng không ngước mắt. Khiến cho Mameha thở dài, biểu tôi ngước mắt nhìn cô ta.
- Cặp mắt tuyệt quá! – Cô ta thốt lên – Tôi mơ có cặp mắt như thế này quá! Này Tatsumi, cô gọi màu mắt này là màu gì?
Chị hầu quay vào trong cửa, nhìn tôi và đáp:
- Thưa cô, màu xanh xám.
- Tôi cũng thấy thế. Này, cô biết có bao nhiêu con gái ở Gion này có cặp mắt như thế này?
Tôi không biết Mameha nói với tôi hay với Tatsumi, nhưng không ai trả lời. Cô nhìn tôi, nét mặt rất kỳ lạ - chú ý tập trung vào cái gì đấy trên mặt tôi. Rồi cô ta chào ra về, và tôi thấy nhẹ cả người.
Lễ an táng Bà Ngọai được tổ chức va khoảng tuần sau, thầy bói chọn giờ vào buổi sáng. Sau đó, chúng tôi thu dọn nhà cửa lại cho ngăn nắp, nhưng có nhiều thay đổi, bà Dì chuyển xuống ở tại phòng Bà Ngọai, còn Bi Ngô – bây giờ đã tập sự làm geisha khá lâu rồi – lên ở phòng bà Dì ở tầng hai. Nhà có thêm hai gia nhân mới, họ ở tuổi trung niên và rất khỏe mạnh. Kể ra thì Mẹ nuôi thêm người cũng lạ, nhưng nhà kỹ nữ mà người như thế này là ít, sở dĩ lâu nay ít là vì Bà Ngoại không chịu được cảnh đông đúc trong nhà.
Việc thay đổi cuối cùng là Bí Ngô được miễn làm những công việc lặt vặt. Cô ta được dành nhiều thì giờ để luyện tập những bộ môn mà geisha cần biết. Thường thường các cô không được dành nhiều thì giờ như thế, nhưng Bí Ngô học hành chậm chạp nên cô ta cần có thêm nhiều thời gian hơn. Thỉnh thoảng tôi nhìn cô ta quỳ trên hành lang gỗ tập đàn, cái lưỡi thè ra một bên mệng như muốn liếm cái má cho sạcn. Mỗi khi nhìn thấy nhau, cô ta mỉm cười với tôi một cách dịu hiền và tử tế. Thế nhưng tôi thấy khó mà chịu đựng sự kiên nhẫn trong cuộc sống, sự kiên nhẫn nặng trĩu, bắt ta đợi chờ cánh cửa tương lai mà mãi không hé mở, trông mong mãi một cơ may xảy đến. Nhiều đêm khi đi ngủ, tôi lấy chiếc khăn của ông Chủ tịch cho tôi, mở ra ngửi mùi phấn thơm. Tôi cố xua đuổi tất cả những hình bóng khác ra khỏi đầu óc, mà chỉ giữ lại hình ảnh của ông ta, giữ lại cảm giác nắng ấm trên mặt tôi và bức tường đá nơi tôi ngồi khi gặp ông ta. Ông ta là vị Bồ đề Đạt ma có ngàn tay sẽ giúp tôi. Tôi không tưởng tượng được sự giúp đỡ của ông ta sẽ ra như thế nào, nhưng tôi cầu nguyện sự giúp đỡ đó mau đến.
Sau ngày Bà Ngoại chết được một tháng, một hôm, chị giúp việc mới đến tìm tôi báo cho tôi biết có khách đứng đợi ngòai cửa. Hôm ấy là một buổi chiều tháng mười mà lại nóng thật kỳ la, người tôi nóng chảy mồ hôi ướt mèm, vì tôi dùng máy hút bụi quay tay để làm vệ sinh mấy chiếc chiếu cói trên phòng mới của Bí Ngô, cái phòng của bà Dì trước đây, Bí Ngô có thói quen ăn vụng bánh tráng ngô trên lầu, cho nên chiếu thảm phải làm vệ sinh luôn. Tôi lấy khăn ướt lau qua người rồi chạy xuống nhà dưới, thấy một thiếu nữ đứng ở trước cửa, mặc kimono gia nhân. Tôi quỳ xuống cúi chào chị ta. Chỉ khi tôi nhìn chị ta lần thứ hai, tôi mới nhận ra chị là người hầu thoe Mameha đến nhà chúng tôi mấy tuần trước đây. Thấy chị ta ra dấu cho tôi bước ra ngoài cửa, tôi bèn mang guốc vào, đi theo chị ta ra đường.
- Chiyo, thỉnh thoảng cô có đi làm những công việc lặt vặt ở ngoài không? – Chị ta hỏi.
Chuyện tôi bỏ trốn đã qua lâu rồi, cho nên tôi không bị nhốt trong nhà nữa. Tôi không biết tại sao chị ta lại hỏi thế, nhưng tôi cũng trả lời tôi có đi.
- Tốt – chị ta đáp –cô thu xếp để chiều mai đi ra ngoài làm việc lặt vặt lúc ba giờ và đến gặp tôi tại chiếc cầu vồng nhỏ bắc qua suối Karakawa.
- Thưa chị vâng – tôi đáp – nhưng xin phép hỏi chị lý do để làm gì ạ?
- Ngày mai sẽ biết, được không? – chị ta đáp, lỗ mũi hơi nhăn lại khiến cho tôi tự hỏi không biết có phải chị ta trêu chọc tôi hay không.
Tôi không mấy vui khi nghe chị hầu của Mameha yêu cầu tôi gặp chị ta,vì tôi nghĩ có lẽ chị ta gọi tôi đên đấy để cho Mameha mắng tôi vì việc tôi đã làm. Nhưng dù thế, ngày hôm sau tôi nói Bí Ngô sai tôi đi làm công việc ở ngoài, một công việc không cần phải gấp lắm. Cô ta sợ gặp chuyện rắc rối, nhưng sau khi nghe tôi hứa sẽ tìm cách trả ơn, cô ta liền bằng lòng. Vì thế vào khoảng ba giờ, cô ta gọi tôi:
- Chiyo ơi, làm ơn đi mua cho tôi vài sợi dây đàn và vài tạp chí viết về Kabuki được không? – Cô ta được lệnh phải đọc tạp chí về Kabuki để trau giồi kiến thức. Rồi tôi nghe giọng cô ta cất lên to hơn - Được không, thưa Dì?
Nhưng bà Dì không đáp vì bà đang ngủ trưa trên lầu.
Tôi ra khỏi nhà kỹ nữ, đi dọc theo suối Shirakawa đến cầu vồng bắc ngang qua khu vực Motoyoshi-cho, quận Gion. Vì thời tiết đẹp, ấm áp cho nên một số đàn ông sánh vai cùng các geisha đi dạo chơi, ngắm nhìn anh đào rũ ngọn xõa những chùm hoa xuống nước. Trong khi đứng đợi bên cầu, tôi ngắm nhìn một tốp du khách nước ngòai đến tham quan ngắm cảnh ở quận Gion nổi tiếng. Họ trông rất kỳ lạ, đàn bà thì mũi to, áo dài và tóc màu sáng, đàn ông thì quá cao và quá tự tin, đi giày có gót cao gõ lóc cóc trên vỉa hè. Một người đàn ông chỉ tôi cho những người khác thấy, ông ta nói tiếng ngọai quốc và tất cả những người khác quay qua nhìn tôi. Tôi cảm thấy luống cuống, giả vờ tìm kiếm cái gì dưới đất để che mặt đi.
Cuối cùng chị hầu của Mameha tới, và trong lúc tôi đang lo sợ, chị ta dẫn tôi đi qua cầu, dọc theo con suối đến đúng cổng nhà mà Hatsumono và Korin đưa chiếc kimono cho tôi và bảo tôi đi lên lầu. Thật bất công là sau một thời gian dài mà việc như thế này lại xảy đến cho tôi một lần nữa, gây cho tôi thêm nhiều phiền phức. Nhưng khi chị hầu đẩy cửa mở ra, tôi bước lên than lầu ánh sáng lờ mờ. Lên đến đầu cầu thang, chúng tôi tháo giầy ra và đi vào phòng.
- Thưa cô, Chiyo đã đến - chị hầu nói lớn.
Rồi tôi nghe tiếng Mameha từ phòng sau vọng ra:
- Tốt, cám ơn Tatsumi.
Chị hầu dẫn tôi đến chiếc bàn gần cửa sổ, tôi quỳ xuống trên một chiếc nệm và cố giữ vẻ bình tĩnh. Lát sau một cô hầu khác mang cho tôi một tách trà- thì ra Mameha có hai cô hầu chứ không phải một. Tôi không ngờ lại được chủ nhà mời trà như thế này. Chưa bao giờ có chuyện này xảy ra kể từ ngày tôi được mời ăn cơm ở nhà ông Tanaka cách đây mấy năm, tôi cúi người chào chị ta, uống vài hớp cho đúng phép xã giao. Sau đó tôi ngồi một hồi lâu không biết làm việc gì khác ngoài việc lắng nghe tiếng nước chảy róc rách từ các nguồn nước cao đổ xuống suối Shirakawa ở ngòai.
Căn hộ của Mameha không lớn nhưng cực kỳ sang trọng, thảm trải sàn rất đẹp và còn mới, chúng có màu vàng lục rực rỡ và thơm mùi rơm. Nếu anh đã nhìn kỹ một chiếc thảm rơm, chắc anh thấy quanh tấm thảm có viền vải, thường là bằng vải đen hay vải lanh đen, nhưng chiếu ở đây được viền bằng lụa có hoa văn màu lục và vàng. Trong một hốc tường gần đấy có treo một bức trướng chữ viết rất đẹp, đó là quà tặng cho Mameha của nhà thư pháp nổi tiếng Matsudaira Koichi. Dưới bức trướng, trên cái bệ trong hốc, những cành hoa hồng dại nở rộ được cắm trong cái dĩa cạn có hình lập thể màu đen tuyền.
Tôi thấy cái dĩa rất kỳ lạ , nhưng thực ra đấy là quà do Yoshida Sakuhei tặng cho Mameha, ông ta là nhà chế tạo gốm sứ theo trường phái Seteguro vĩ đại, tác phẩm này sau chiến tranh thế giới lần thứ hai trở thành tài sản quý báu của quốc gia.
Đăng bởi | Mr. Robot |
Phiên bản | Dịch |
Thời gian | |
Lượt đọc | 15 |