Bùi ngùi ký ức
Pháp Thánh Hiến Đế góp 20000 kim cho truyện .
♛☀✟CHIẾN☉ĐẠO✟☀♛ tiếp tục 20000 kim tệ
βlack đại lão góp 83.000 kim tệ cho sách
...........................
Tay tôi run run lật từng trang ghi chép trong chiến đấu. Anh Doanh cùng tôi đọc lại những trang viết vội vàng, mỗi ngày vài dòng tóm tắt tình hình trong những ngày gian khổ ác liệt ấy. Mấy ngày đầu còn ít mực tím thì tôi ghi rất rõ ràng, những ngày sau ghi bằng bút chì, ở trên núi đá nhiều sương mù, mưa ẩm nên nhòe mờ, rất khó đọc.
Chính trị viên Hoàng Quốc doanh lặng người đi khi đọc những câu văn cộc lốc, những con số ghi chép trần trụi trong cuốn nhật ký của tôi về những chiến công về sự hi sinh của đồng đội. Những thông tin này trong khi chỉ huy chiến đấu chúng tôi cũng đã biết rất rõ, nhưng bây giờ đọc lại vẫn thấy nhói lên trong tim...
Chúng tôi hoàn thành bản báo cáo thành tích trong cuộc chiến đấu để cấp trên đề nghị xét phong tặng danh hiệu đơn vị anh hùng cho Tiểu đoàn 3. Rồi đây Tiểu đoàn 3 chúng tôi trở thành một đơn vị anh hùng, nhưng tự dưng tôi lại không thấy vui mừng mà chỉ thấy man mác một nỗi buồn, một nỗi buồn sau thẳm trong lòng khi biết bao nhiêu anh em, đồng đội, bạn bè thân thiết đã không còn nữa để đón nhận sự vinh quang này.
Chính trị viên tiểu đoàn dặn tôi không được bép xép chuyện tiểu đoàn trưởng không có mặt tại vị trí chỉ huy chiến đấu hôm 20/2, ngày mà bọn giặc tấn công ác liệt nhất vào thị trấn Sóc Giang.
Anh không giải thích gì thêm nhưng tôi hiểu nếu chuyện này lộ ra thì tiểu đoàn tôi sẽ không được phong tặng danh hiệu anh hùng. Không ai phong anh hùng cho một đơn vị mà người chỉ huy cao nhất của đơn vị ấy lại bỏ vị trí của mình khi tình huống chiến đấu cam go.
Sau này tôi càng hiểu thêm, một người chỉ huy dũng cảm, mưu trí như chính trị viên Hoàng Quốc Doanh cũng không thể được phong tặng danh hiệu anh hùng. Bởi vì nếu đề nghị tặng danh hiệu anh hùng cho anh Doanh thì anh sẽ phải báo cáo về trận đánh mà anh chỉ huy chiến thắng bọn Trung quốc xâm lược vang dội nhất ở thị trấn Sóc Giang ngày 20-2-1979.
Lúc ấy, cấp trên, cơ quan thi đua khen thưởng khi xem xét người ta sẽ đặt câu hỏi:
“Hôm đó tiểu đoàn trưởng đi đâu mà chính trị viên tiểu đoàn phải trực tiếp chỉ huy chiến đấu?”.
Như vậy sẽ lộ ra chuyện tiểu đoàn trưởng rời vị trí chỉ huy khi ác liệt nhất. Và không khéo thì tất cả sẽ xôi hỏng, bỏng không...
Sau khi hoàn thành bản báo cáo thành tích chính trị viên Hoàng Quốc Doanh còn dặn tôi:
“Mày phải giữ cuốn sổ ghi chép này thật cẩn thận nhé!”.
(Năm 2018, khi về Trung đoàn 246 hội thảo về cuốn lịch sử của trung đoàn, đồng chí trung đoàn trưởng ngỏ ý muốn xin tôi tặng lại cuốn sổ ghi chép này để đưa vào phòng truyền thống của đơn vị nhưng tôi từ chối. Đây chỉ là một cuốn sổ ghi chép trong chiến tranh của riêng tôi, một người lính bình thường không nên trưng bày làm hiện vật lịch sử gì trong phòng truyền thống của Trung đoàn 246).
Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh đi rồi, anh em trong tiểu đội vẫn chưa đi đào công sự về, chỉ còn một mình tôi. Tự dưng nỗi buồn sâu thẳm ấy cứ lâng dâng lên mãi trong tôi. Tôi bước ra khỏi lán ngước nhìn lên bầu trời.
Có một cơn giông gió đang cuồn cuộn dâng lên từ phía Bắc. Mây đen vần vũ trên những đỉnh núi đá lởm chởm nơi biên thùy. Nơi mảnh đất cuối cùng Tổ quốc này tiếng súng vẫn chưa một ngày lắng im…
Sau chiến tranh nhiều việc phải làm. Tình hình biên giới vẫn căng như sợi dây đàn. Bọn địch vẫn liên tục tung thám báo sang đất ta trinh sát. Thỉnh thoảng hai bên lại xảy ra những vụ xung đột nổ súng lẻ tẻ.
Vẫn có những người ngã xuống vì chạm súng hoặc vướng phải mìn bọn địch gài lại. Phía biên giới Hà Giang vẫn tiếp tục xảy ra những trận đánh lớn ở Vị Xuyên. Quân xâm lược phương Bắc hôm nay giống như cha ông chúng ngày xưa chưa bao giờ từ bỏ dã tâm thôn tính, đô hộ nước ta.
Tiểu đoàn 3 chúng tôi dần ổn định vị trí đóng quân. Những ngôi nhà nửa chìm nửa nổi trên chốt vừa là chỗ ăn nghỉ, vừa làm công sự chiến đấu khi cần thiết. Cùng với việc xây dựng trận địa, ổn định nơi ăn ở, các đơn vị bắt đầu việc bình xét, khen thưởng những người có thành tích trong chiến đấu.
Nhiều người được tăng huân chương chiến công, được thăng quân hàm vượt cấp nhờ những thành tích, chiến công đã lập được. Một số cán bộ cũng được bổ nhiệm chức vụ mới. Phần lớn là lên một chức.
Anh em trong cơ quan tiểu đoàn bộ và các đại đội đều được thăng quân hàm, bổ nhiệm chức vụ, được xem xét bồi dưỡng để kết nạp vào đảng, được cử đi học tập, đào tạo để làm cán bộ...
Duy chỉ có mình tôi là không được phong quân hàm, đề bạt chức vụ và khen thưởng gì. Thằng Lợi, tiểu đội trưởng hữu tuyến có vẻ thắc mắc cho tôi. Nó nói:
" Tại sao mày trong chiến đấu nhiệm vụ nào cũng hoàn thành tốt mà lại chả được khen thưởng, thăng quân hàm, cất nhắc chức vụ gì nhỉ? Nói thật với mày, cũng là lính thông tin, tao biết nếu không có mày cùng anh em tiểu đội vô tuyến giữ vững được liên lạc trong mọi tình huống thì đơn vị ta không thể đánh và chiến thắng được.
Đường dây của tiểu đội tao đứt liên tục, nối không kịp, khi nó bao vây kín xung quanh thị trấn Sóc Giang thì chịu hẳn, truyền đạt cũng không thể kịp với các tình huống chiến đấu rất khẩn trương... "
Tôi bảo:
"Thôi mày ạ ! Sau chiến tranh còn giữ được cái chỗ đội nón để trở về quê quán là tốt lắm rồi."
Thằng Lợi vẫn không chịu. Nó băn khoăn:
" Tao vẫn không hiểu nguyên nhân gì mà sau chiến tranh mày chả được cái gì nhỉ?"
Tôi lắc đầu bảo nó:
"Quên chuyện khen thưởng của tao đi. Thế còn mày, nhận huân chương rồi, thăng quân hàm vượt cấp, lên chức mới rồi có khao tao gì không?"
Thằng Lợi gật đầu:
" Hôm nào tao đi nhận nhiệm vụ ở đơn vị mới tao với mày phải chén một bữa, uống cho đã để chia tay nhé?"
Đăng bởi | hoàngngọcdao |
Phiên bản | Dịch |
Thời gian | |
Lượt thích | 1 |
Lượt đọc | 6 |