Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Dương Minh Thấu Trời

Phiên bản Dịch · 4879 chữ

Lý Đông Dương rảo bước ra khỏi cửa điện. Vừa chui vào trong kiệu, lão lập tức vén rèm, gọi một gia nhân lớn tuổi đi cùng lại, bảo:

- Nhanh, đến bộ Lễ một chuyến, mời Vương Hoa Thị lang đại nhân đến phủ của ta uống rượu thi thơ.

Thị lang bộ Lễ Vương Hoa, cha của Chủ sự bộ Binh Vương Thủ Nhân, là Trạng nguyên Thành Hoá năm Tân Sửu, là Thị giảng học sỹ Đông Cung thời tiên đế Hoằng Trị còn làm Thái tử, danh tiếng và địa vị không hề thua kém Vương Quỳnh.

Nếu không phải gặp lúc chiến sự thì bộ Binh là nha môn nhàn nhã nhất trong Lục Bộ. Ty phủ khố (đơn vị quản lý ngân khố một phủ) nằm ở dãy nhà thứ hai phía tây. Ngày hè hừng hực nắng, đóng cửa sổ thì không khí ngột ngạt oi bức thở không ra hơi, mở cửa sổ thì mặt trời lại chói chang gay gắt; rất nhiều sỹ tốt, tạp dịch đã trốn ra khỏi phòng, ngồi trên hành lang dưới mái hiên phe phẩy quạt hương bồ () tán gẫu. (: loại quạt làm bằng lá cây hương bồ; quạt tròn dẹt, giống như cây mà Tế Công cầm.)

Một tên dịch tốt chỉ mặc áo cộc đang văng nước miếng tứ tung kể về cái việc lạ lùng xảy ra ở đầu chợ ngày hôm nay:

- Nghe nói Dương đại nhân của Thần Cơ doanh là con cháu của Dương gia tướng trung thần Bắc Tống đó. Phải nói con gái nhà họ Dương này còn lợi hại hơn cả đàn ông. Đoạn đầu đài cao bằng thân ngựa, ở ngoài một trượng còn ngăn bởi dây thừng, thế mà vị Dương phu nhân này chân đạp tiễn bộ thoắt một cái đã nhảy lên trên đài rồi, nhẹ nhàng hơn cả một con báo nữa. Hồng Thượng thư cả giận, đích thân lên đài sai chém. Hây! Dương phu nhân nọ liền mở một bức vẽ, là bức vẽ mà Hoằng Trị Hoàng thượng tự mình đề bút, kê trên đầu trượng phu. Đó là đồ vật do tiên hoàng ban thưởng, bất luận ngươi là vương hầu công khanh, đã có phúc trông thấy đều phải cung cung kính kính dập đầu, ai dám chém chứ? Cứ như vậy, bốn gã đao phủ đành giương mắt ếch ra mà nhìn.

Một tên binh sỹ nghe thấy thú vị bèn chen miệng vào, hỏi:

- Ồ, nhưng mấy vị đại nhân khác đâu có mặc bảo (bức vẽ thư pháp) hộ thân, Dương phu nhân lại không bảo vệ bọn họ, tại sao không chém họ trước nhỉ?

Gã hán tử mặc áo cộc trợn mắt lên, nói:

- Ngươi nói coi? Đó là vì sợ vô lễ với mặc bảo của tiên đế. Đâu phải là hạ thánh chỉ đặc xá cho một mình Dương đại nhân đâu, ai dám một bên nặng một bên nhẹ, chém một nửa chừa lại một nửa chứ? Người nhà của mấy phạm quan khác sẽ chịu bỏ qua sao? Người trong thiên hạ sẽ nghĩ như thế nào? Thượng thư bộ Hình còn không mất sạch mặt mũi à?

Bị quở trách một trận, binh sỹ kia đành ngượng ngập cười trừ không nói nữa. Bọn họ ngồi quanh một chiếc bàn vuông nhỏ, trên bàn đặt một ấm trà lớn và sáu bảy bát trà. Hán tử nọ nói đến chỗ cao hứng, bê một bát trà lên nốc ừng ực mấy ngụm mới phát hiện ra là mình đã cầm nhầm, bèn quay sang người bên cạnh, áy náy nói:

- Úi, xin lỗi Vương đại nhân, tiểu nhân đã cầm nhầm bát của ngài rồi.

Vị Vương đại nhân đó chính là Chủ sự Ty phủ khố của bộ Binh - Vương Thủ Nhân, tuổi chừng hơn ba mươi, mày trơn mặt nhẵn, tướng mạo có vài phần giống người phương Nam, cặp mắt tuy không to nhưng rất có thần.

Nghe hán tử xin lỗi, y xua tay, cười bảo:

- Uống thôi mà, có gì to tát chứ.

Nói rồi, cầm lấy ấm rót cho hán tử đó một bát nữa.

Vị Chủ sự này cũng mặc mỗi áo cộc, trông không giống dáng vẻ của một Tiến sỹ. Vị nhân huynh này và Đại Minh Thất Tử (bảy tài tử của Đại Minh), cầm đầu là Lý Mộng Dương, thường hay ngâm thơ vẽ tranh, nghiên cứu thơ văn cùng nhau, quan hệ rất thân thiết. Cho dù là gặp những kẻ bán dạo, bán rong, tạp dịch, nô bộc y cũng có thể chuyện trò rất là hợp ý. Các nha dịch cùng y đều đã rất quen với nhau, chưa từng coi y như quan viên cao cao tại thượng.

Vương Thủ Nhân cầm ấm rót đầy nước trà, mỉm cười liếc mọi người rồi từ tốn nói:

- Hoàng thượng long nhan đại nộ chính là vì phong thuỷ đế lăng không tốt, có thể tổn hại đến quốc vận. Nghe nói Hoàng thượng đã quyết chí dời lăng, vậy ắt muốn trưng thu thêm thuế. Hôm nay trên triều, ba vị Đại học sỹ tuy có thể tạm thời ngăn cản việc này, nhưng chuyện long mạch bị tổn hại còn nằm ở đó, e rằng tăng thuế cũng là việc bất khả kháng.

Một nha dịch nói:

- Đúng vậy! Chuyện phong thuỷ này sao có thể làm qua loa chứ! Long mạch liên quan đến vận mệnh Đại Minh, nếu thật bị tổn hại vậy không phải sẽ rất nguy ư?

Một nha dịch khác nghe vậy, tức giận chen vào:

- Phong thuỷ gì chứ! Bây giờ lão bá tánh sống còn không qua nổi ngày, còn lo nghĩ đến chuyện mấy trăm năm sau sao? Huynh đệ ta mở hiệu đánh ngựa (mã hành) nho nhỏ chuyên đi con đường kinh sư và Thông Châu này, y cũng nghèo lắm, tiền kiếm được mỗi năm chỉ có thể miễn cưỡng sống qua ngày. Lần này tăng thuế, thu nhập lại ít đi. Hơn nữa, thuế tăng mà lãi có hạn, thương nhân bộ hành chịu thuê ngựa tất nhiên cũng sẽ giảm bớt. Huynh đệ ta đang sầu não làm thế nào để sống qua ngày đây này, nói gì đến những bá tánh bình dân kia chứ.

Có nha dịch đang phe phẩy quạt hỏi:

- Nghe nói Dương đại nhân chính là vì để cho người dân trăm họ có con đường sống nên mới giấu chuyện đế lăng rỉ nước. Nói cho cùng đó cũng là vị quan tốt vì nước vì dân, nhưng mà chuyện phong thuỷ này cũng không thể làm qua loa lấy lệ. Vương Chủ sự, ngài thấy thế nào?

Vương Thủ Nhân thoáng trầm tư rồi nói:

- Theo ta thấy, thế gian vạn vật đều có đạo lý tồn tại của nó. Phong thuỷ là một loại tồn tại, bá tánh cũng là một loại tồn tại, cho nên phong thuỷ có đạo lý của phong thuỷ, mà bá tánh có đạo lý của bá tánh. Nếu nói chút đất đai bị hư hại sẽ ảnh hưởng đến quốc vận, vậy mạng sống của ngàn vạn bá tánh chẳng phải sẽ càng ảnh hưởng đến vận mệnh quốc gia ư? Chu Tử nói: 'Khử nhân dục, tồn thiên lý' (2). Ký thác hết thảy hoạ, phúc, thịnh, suy lên phong thuỷ, đó chẳng phải là ‘nhân dục’ sao? Vì ‘nhân dục’ mà bất chấp sinh tử của bá tánh, ấy là làm trái với 'thiên lý'. Đem hai thứ lên cân, bỏ cái nhỏ lấy cái to, đương nhiên sự sống và cái chết của bá tánh mới là đạo lý.

Mọi người nghe xong gật đầu lia lịa. Một nha dịch cười, nói:

- Vương Chủ sự đọc nhiều sách, lời nói ra cũng khiến người tin phục. Đúng là phong cách của kẻ đọc sách 'nhìn cây trúc bảy ngày', chúng ta không thể so bì.

Đám sai dịch nghe xong thì cười ầm lên. Nguyên là Vương Thủ Nhân thuở nhỏ hiếu học, thời niên thiếu sùng bái "tòng Đạo ngộ lý" (hiểu Đạo thì sẽ ngộ ra mọi lẽ), từng mời đạo sỹ đến nhà xin chỉ giáo. Nhưng các đạo sỹ đó nào có học hành gì, ngoài biết niệm mấy câu vô nghĩa trong kinh kệ ra, quả thật không nói được chữ nào khác chứ đừng nói gì đến học vấn.

Đạo giáo của Lão Tử là một trong Cửu lưu (3) xa xưa, tề danh tam giáo, là đại gia triết học chân chính. Nhưng những đạo sỹ hôm nay tuy là phụng thờ Lão Tử làm thuỷ tổ, thật ra đa số là có quan hệ sư đồ với Trương Đạo Lăng của Ngũ Đấu Mễ Giáo (4) thời Hán, đạo nghĩa hoàn toàn khác với của Lão Tử.

Vương Thủ Nhân học không có kết quả, về sau lại theo nhà đại nho là Lâu Lượng du học, bắt đầu tin vào thuyết ‘cách vật tri lý’ (5) của Chu Hy, đã từng đối mặt với một cây trúc ở trong nhà ngộ bảy ngày bảy đêm. Kết quả chưa ngộ ra được đạo lý thì đã nhiễm phong hàn ngã bệnh. Chuyện này được truyền thành chuyện cười trong kinh sư, ai nấy đều biết, vì thế mọi người nghe xong câu trêu đùa ấy đều hiểu ý cười rần. Vương Thủ Nhân tính tình phóng khoáng, không câu nệ, không thủ lễ một cách cứng nhắc, vả lại chuyện này đã nhiều lần bị người lôi ra trêu nên nghe xong y cũng cười to theo, không hề vì thế mà mất vui.

Chờ cho tiếng cười của mọi người ngưng lại, một tên quan sai nói:

- Nói như vậy là Vương Chủ sự tán thành với Dương Lăng Dương đại nhân rồi. Nghe nói ba vị Đại học sỹ trong Nội các cũng bảo vệ y. Nếu như khi đó Vương Chủ sự cũng đụng phải chuyện như vậy, ngài sẽ làm như thế nào?

- Ta ư?

Vương Thủ Nhân ngẩn người, rồi bắt đầu trầm tư.

- Quân vương, bá tánh, phong thuỷ, xã tắc.

Như đèn kéo quân, những hình ảnh này bắt đầu chuyển động trong đầu y. Qua một hồi lâu, ánh mắt khó xử của Vương Thủ Nhân dần dần trở nên kiên định. Tuy rằng đám quan sai nha dịch đang yên lặng trông chờ đáp án không nghe thấy lời đại nghịch bất đạo thốt ra từ trong miệng y, nhưng hiển nhiên đã nhìn thấy được câu trả lời. Trong nhất thời, bọn họ đã thu lại nét mặt cười đùa, vẻ mặt mọi người đều trở nên trang trọng.

Tin Dương Lăng vào ngục, đưa lên pháp trường, Nghiêm Tung đều đã nghe được từ trong miệng đám đồng liêu. Tuy hắn rất cảm kích Dương Lăng, nhưng lòng mang công danh lợi lộc của hắn rất nặng. Vụ án phong thuỷ của đế lăng biết bao trọng thần trong triều đều không thể chen miệng vào, hắn bất quá chỉ là một tên vô danh tiểu tốt, cho dù dâng sớ cũng không cứu nổi Dương Lăng, có khi còn liên luỵ đến tiền đồ của chính mình. Những chuyện ‘không cần chí tiến thủ, chỉ cầu khí phách thư sinh’ hắn sẽ không làm. Bởi vậy, khi nghe nói Dương Lăng bị xử chém, mặc dù cảm thấy cực kỳ khó chịu, nhưng hắn lại thức thời, thậm chí không bén mảng đến pháp trường.

Nhưng tin tức về việc Hàn Ấu Nương dùng mặc bảo của tiên đế cản trở hành hình, Hoàng thượng giam giữ Dương Lăng để thẩm vấn lại vừa truyền ra, đầu óc của Nghiêm Tung liền trở nên linh hoạt. Cách đây ít lâu Dương Lăng kháng chỉ cứu thê, Hoằng Trị chậm chạp không bắt giam Dương Lăng, Nghiêm Tung đoán rằng thánh ý có lòng muốn gỡ tội cho y, vì vậy nên đã vội viết một bài văn chương tạo ra thanh thế lớn cho y.

Lần này Hoàng thượng ngưng hành hình để tái thẩm, hạ chỉ khám lăng, chẵng lẽ lại có thâm ý gì đó ở bên trong? Nghiêm Tung tiếp ý chỉ xong lập tức đóng cửa không ra, suy xét kỹ lưỡng đạo lý bên trong đó. Hắn nhíu mày ngồi ở trước bàn, ánh mắt bất động, trầm ngâm thật lâu. Phu nhân vừa được đón vào kinh của hắn là Âu Dương thị trông thấy phu quân hôm nay về sớm, vừa vào nhà liền ngồi đó chẳng nói chẳng rằng, bèn vội châm chén trà đem đến, nhẹ giọng hỏi:

- Tướng công, hôm nay đã gặp phải chuyện gì khó xử à?

Nghiêm Tung rất kính trọng vị thê tử kết tóc này. Thấy thê tử châm trà mang đến, vội vàng đưa hai tay ra đón rồi nhìn thê tử, gượng cười, nói:

- Ờ, không có gì. Hôm nay Hoàng thượng hạ chỉ khảo sát thái lăng, phái ba vị khâm sai, vi phu cũng là một trong ba người được Hoàng thượng khâm điểm. Ta chỉ cảm thấy kỳ quái, ta là quan viên mới vào làm quan, lúc thi Đình lại không có biểu hiện gì xuất sắc. Trong Hàn Lâm viện tài tử như mây, vì sao Hoàng thượng chỉ định mỗi ta?

Âu Dương thị nghe xong không khỏi hé miệng cười, trách:

- Chàng đó, lúc chưa làm quan thì nghĩ đến việc làm quan, làm quan rồi lại nghĩ đến thăng quan. Bây giờ Hoàng thượng trọng dụng chàng, chàng lại đi nghĩ quàng nghĩ xiên.

Nghiêm Tung liền lắc đầu, nói:

- Phu nhân không biết đó thôi, oai vua khó dò lắm. Nếu không đoán ra được thánh ý, Hoàng thượng muốn bảo nàng đi bên trái, nàng lại đi bên phải thì làm sao có ngày được vang danh chứ.

Âu Dương thị nghe trượng phu nói nghiêm trọng như vậy, cũng không khỏi nhíu mày. Thị trầm ngâm rồi hỏi:

- Tướng công, nghe nói hôm nay Dương Hàn thị cứu chồng nơi pháp trường là nhờ vào một bức tự hoạ của tiên đế. Không lẽ Hoàng thượng cũng biết được chàng và Dương đại nhân có giao tình, nên mới đem việc này giao cho chàng, ý bảo chàng gỡ tội cho y sao?

Nghiêm Tung giậm chân, nói:

- Chính vì vi phu không dò ra được có phải thánh thượng có ý này hay không nên mới hết sức khổ não. Nếu nói Hoàng thượng có ý để ta trợ giúp Dương đại nhân, nhưng người truyền chỉ lại không hề có chỉ bảo gì, truyền chỉ xong liền trở về cung ngay. Ta đã suy nghĩ đi suy nghĩ lại về ý chỉ nhiều lần, nhưng nghĩ không ra trong đó có ngụ ý gì. Nếu như Hoàng thượng có ý gỡ tội cho y, ít nhiều cũng nên chỉ rõ chút gì đó cho ta mới phải chứ.

Âu Dương thị nói:

- Thiếp không hiểu việc nước, chỉ suy nghĩ từ phương diện tình lý. Chàng nói xem, một vị quan lớn giận một người, tìm tội danh để phạt gậy hắn ta. Nhưng hắn và cha của vị quan này có giao tình và thư từ qua lại. Vị quan này, vốn là một người con hiếu thảo, cho ngưng phạt gậy rồi kêu người tra lại vụ án. Vậy vị quan muốn gỡ tội hay là vẫn muốn trị tội hắn ta?

Mắt Nghiêm Tung chợt sáng lên, nhưng hắn lại lập tức lắc đầu, cười nói:

- Ví dụ này không ổn, bức hoạ đó của tiên hoàng không thể so với thư từ. Tiên đế nhân hậu, những thần tử được ban thưởng lễ vật rất nhiều, lại không chỉ một mình Dương đại nhân. À! Không đúng, quả thực không giống nhau.

Nghiêm Tung chợt nhớ lại lời Thị lang Trình Văn Nghĩa đã nói qua, bức hoạ đó là vẽ vách núi và cây tùng hùng vĩ, trên bức vẽ có chữ đích thân tiên hoàng viết lên: ‘Cây tùng trăm trượng um tùm, dẫu rằng sần sùi xấu xí, nhưng là vật liệu chính để xây nhà to.’ Đây rõ ràng là một sự tín nhiệm mà tiên đế ủy thác, kỳ vọng Dương đại nhân sẽ trở thành bề tôi đắc lực mà.

Nghiêm Tung nắm lấy tay Âu Dương thị, hưng phấn nói:

- Vi phu ngu dốt, may mà có hiền thê nhắc nhở, giờ ta đã rõ thánh ý. Chỉ là... ba vị khâm sai, một vị là Chủ sự bộ Binh, còn một vị là Thành Quốc công đương triều, quan chức và địa vị đều hơn xa ta. Xét về công hay về tư, vi phu đều nên giúp Dương đại nhân mới phải, nhưng chỉ e một cây làm chẳng nên non.

Âu Dương thị cười hì hì, nói:

- Phu quân tốt của thiếp à, nếu như Hoàng thượng đã có ý gỡ tội cho Dương đại nhân, há sẽ chọn chàng làm chủ chuyện này, nói không chừng Quốc công gia và Chủ sự bộ Binh người ta đã sớm được mật chỉ của Hoàng thượng rồi. Chuyện chàng và Dương đại nhân từng có giao hảo tuy trong triều kẻ biết không nhiều, nhưng Hoàng thượng có Cẩm Y Vệ, có Đông xưởng, Tây xưởng; nghe nói bọn thám tử đó chỗ nào cũng nhúng tay vào, rất ư là lợi hại, Hoàng thượng có thể không biết sao? Chọn chàng chỉ là để bịt miệng đám đại thần đó mà thôi. Chuyến đi này, thiếp thấy chàng chỉ cần giả vờ câm điếc, sắm vai ông bồ tát bằng đất sét thì coi như đã hợp với thánh ý rồi.

- Bồ tát bằng đất sét à?

Nghiêm Tung cũng cảm thấy thê tử mình nói rất có lý. Có điều, nghĩ đến lý do Hoàng thượng dùng mình vốn chỉ vì hắn có giao hảo với Dương Lăng, không hề có điều xem trọng hắn, hắn không nén được có chút mất mát thất vọng. Niềm vui dò đoán ra được thánh ý lập tức phai nhạt đi nhiều.

oOo

Bên ngoài Ngọ Môn, đội nghi trượng của khâm sai đã xếp thành hàng ngũ chỉnh tề. Vương Thủ Nhân và Nghiêm Tung vì không quen biết nhau, cho nên gặp mặt chỉ chuyện trò vài câu rồi mỗi người ôm suy nghĩ riêng đứng đó chờ Thành Quốc công Chu Cương.

“Tình hình bây giờ, di dời đế lăng thì tăng thuế, bá tánh thì khổ mà xã tắc lại bất an. Năm xưa, Phương Hiếu Nhu (6) vì muốn duy trì chính thống bị tru di thập tộc mà không hề hối hận. Hôm nay, Vương gia ta vì giang sơn xã tắc chẳng lẽ lại tiếc đầu này?!” Lời của phụ thân Vương Hoa lại vang bên tai, Vương Thủ Nhân nghĩ đến kế hoạch đó, trong lòng chợt hơi khẩn trương.

Từ nhỏ y đã đam mê binh pháp, ham thích võ học, nhưng vẫn chưa từng ra trận giết địch, trải nghiệm chém giết; mà việc sắp làm ngày hôm nay, chẳng khác gì lấy kê trong lửa, phải đối mặt với nguy hiểm to lớn. Một khi thất bại, thì cả nhà Lý Đông Dương và Vương Hoa do mưu đồ chuyện này đều có thể sẽ bị xử chém. Với định lực của Vương Thủ Nhân, nghĩ đến chuyện này cũng không tránh khỏi thấp thỏm trong lòng.

Nếu muốn không tăng thuế thì chỉ có cách không dời lăng, nếu muốn không dời lăng thì chỉ có cách chứng minh Kim Tỉnh chưa từng bị người động tay chân. Hết cách, Lý Đông Dương đành mời bạn thân là Vương Hoa, nói rõ vì đại nghĩa quốc gia, cùng ông ta lập ra một kế hiểm: "Man thiên quá hải điều bao kế! ()" (: Giấu trời vượt biển để đánh tráo)

Dạng đất như dưới Kim Tỉnh có hiện đang được giữ trong bộ Lễ, mà Vương Hoa là quan lớn nhất chỉ đứng sau Vương Quỳnh ở bộ Lễ, nên mặc dù đất Kim Tỉnh này được trông coi rất nghiêm ngặt, nhưng với thân phận của Vương Hoa, muốn đánh tráo ít nhất cũng nắm chắc bảy phần.

Khó khăn nhất lại là Vương Thủ Nhân. Y là con của Vương Hoa, đồng thời cũng không phải là gã hủ nho, mê tín phong thuỷ. Lý Đông Dương dự liệu rằng để Vương Hoa ra mặt nhất định sẽ có thể khuyên được y đồng loã vào chuyện này, nhưng khó là khó ở chỗ khâm sai khám lăng có tới ba người mà không phải chỉ một mình Vương Thủ Nhân; muốn một tay che trời, tráo đổi đất lấy từ thái lăng về quả thực là việc cực kỳ khó khăn.

Lý Đông Dương bàn bạc cùng Vương Hoa, muốn để Vương Thủ Nhân tuỳ cơ hành sự, mang theo bên người một bao đất, đợi khi lấy được loại đất dưới Kim Tỉnh của đế lăng xong sẽ tìm cơ hội tráo đổi chúng, sau đó báo tin cho gia nhân thân tín trong phủ âm thầm đi theo cưỡi khoái mã gấp rút chạy về trước hồi báo cho Lý Đông Dương và Vương Hoa. Chỉ cần hai người nghe thấy tin Vương Thủ Nhân đắc thủ sẽ lập tức chạy đến bộ Lễ, Lý Đông Dương cầm chân Vương Quỳnh, còn Vương Hoa sẽ phụ trách tráo đất. Nơi đặt đế lăng lại không xa, có thể đi về trong ngày, nhưng thời gian cũng chưa hẳn sẽ dư dả.

Vì vậy, nhiệm vụ của Vương Thủ Nhân không những nguy hiểm mà còn vô cùng gian nan. Tình hình bên trong đế lăng rốt cuộc ra sao, ngay cả tài tử thông thái như Lý Đông Dương và Vương Hoa cũng không nắm rõ. Thời đó không cho phép tham quan đế lăng, lại không cung cấp bản vẽ để người ta tham khảo và nghiên cứu; cho nên, có thể tạm thời nghĩ ra được biện pháp này, Lý Đông Dương đã là cơ trí lắm rồi, thật không cách nào lập ra được kế hoạch tỉ mỉ hơn.

Nghĩ đến đây, Vương Thủ Nhân không nén được thở dài. Thành Quốc công cả nhà trung liệt, từ triều Hồng Vũ đến nay đã có ba vị Quốc công sau khi mất đi được phong vương, rất được vua yêu mến. Thành Quốc công đời này tuổi tác tuy đã cao, nhưng không hề hồ đồ mà là một ông già thông thái, Vương Thủ Nhân quả thực không dám đảm bảo có thể qua mặt lão. Có điều, nếu như lão Quốc công không chịu làm ngơ cho qua, hy vọng thành công sẽ vô cùng mờ mịt. Thậm chí vị Hàn Lâm thân gầy như cây trúc ở trước mặt này, qua cử chỉ và ngôn từ của hắn, dường như cũng không phải là nhân vật đơn giản.

Vương Thủ Nhân nghĩ đến đây không khỏi quay đầu liếc trộm Nghiêm Tung một cái, không ngờ Nghiêm Tung cũng đang nhìn y. Ánh mắt hai người vừa chạm, bọn họ lập tức chột dạ, mỗi người đều ôm tính toán riêng của bản thân.

Chính vào lúc này, một chiếc kiệu lớn tám người khiêng đong đưa kẽo kẹt đi đến Ngọ Môn, theo sau là tám tên thị vệ. Kiệu được đặt xuống đất, quản gia liền vén rèm kiệu lên, dìu một lão già đầu tóc bạc phơ, người mặc áo mãng bào (7), lưng đeo đai ngọc, bước một bước thì lảo đảo đến ba lần, run run rẩy rẩy. Vương Thủ Nhân trông thấy vậy không khỏi thất kinh.

Tết năm nay y từng theo phụ thân viếng thăm vị lão công gia này. Khi ấy huyền tôn (cháu cố) thứ mười bốn của Chu lão công gia đốt pháo ở trong lầu các, ông già nổi giận cầm cây chổi lông gà đuổi đứa cháu chạy khắp đại viện, bước chân thật sự là rất dẻo dai. Làm thế nào mà mới có nửa năm lão đã già yếu đến nông nỗi này rồi?

Vừa nghi ngờ vừa kinh ngạc, Vương Thủ Nhân vội bước lên phía trước vái sâu một lễ:

- Thủ Nhân bái kiến Chu lão công gia. Thân thể lão công gia gần đây vẫn khoẻ chứ ạ?

- Hả?

Giọng vang như sấm, giọng nói của lão công gia thế mà lại khá lớn:

- Đừng có lí nhí như muỗi thế, lão nhân gia ta nghe không rõ! Úi chào, tuổi tác già rồi, năm nay cũng xấp xỉ tám mươi, mắt cũng đã mờ, lỗ tai cũng nghễnh ngãng cả. Giờ thì nhìn cũng nhìn không rõ, nghe cũng nghe không được... Này! Ngươi là con cháu nhà ai thế?

“Lão già này thậm chí không nhận ra cả mình à?" Vương Thủ Nhân ngạc nhiên ngước mắt nhìn Thành Quốc công. Chỉ thấy trong mắt lão già chợt loé lên sự giảo quyệt, nhìn kỹ lại, vẫn là một đôi mắt đùng đục già nua đang ngỡ ngàng nhìn y.

Vương Thủ Nhân thấy vậy trong lòng mừng rỡ: “Đại sự được định rồi!”

Mặt y vừa lộ vẻ vui mừng, chợt liếc thấy Nghiêm Tung đang đăm đăm quan sát vẻ mặt của bọn họ, Vương Thủ Nhân vội vàng thu lại tâm trạng, ngầm hiểu ý thi lễ lần nữa rồi lớn tiếng nói:

- Thủ Nhân hành lễ với lão công gia! Lão công gia vẫn luôn mạnh khoẻ chứ ạ?

Ghi chú của tác giả: Vương Thủ Nhân là người trùm nhất trong ba trăm năm lịch sử triều Minh, qua các triều đại đã được thần thánh hoá. Vân Trung Nhạc có thể nói là chuyên gia về sử Minh, viết mấy chục quyển tiểu thuyết đều lấy triều Minh làm bối cảnh vậy mà mỗi Vương Thủ Nhân là sót lại không dám viết, chỉ dám mượn miệng kẻ khác để đề cập sơ những chuyện liên quan đến ông chứ không dám viết theo ý mình. Tiểu Quan muốn tránh cũng không được, đành thấp thỏm không thôi. Nếu muốn chửi xin quý vị cứ chửi đi, tại hạ quyết sẽ không màng!

_Chú thích:

(1) Dương Minh là tên hiệu của Vương Thủ Nhân; "man thiên" trích từ kế "man thiên quá hải" (giấu trời qua biển), lợi dùng tình thế (hoặc thời tiết) để gạt người.

(2) Trừ bỏ Vọng tâm thì sẽ có được Chân tâm.

(3) Cửu lưu thập gia là các trường phái học thuật chủ yếu trong thời kỳ Chiến Quốc ở Trung Quốc. Các trường phái này bao gồm: Nho gia, Đạo gia, Âm Dương gia, Pháp gia, Danh gia, Mặc gia, Tung Hoành gia, Tạp gia, Nông gia và Tiểu Thuyết gia. Trong đó, chín trường phái đầu được gọi chung là Cửu lưu.

(4) Trương Lăng (hay Trương Đạo Lăng) tự là Phụ Hán (trợ giúp nhà Hán) (34-156) được xem là người đã khai sáng giáo phái Ngũ Đấu Mễ Đạo (Đạo năm đấu gạo) trong Đạo giáo Trung Quốc. Ngũ Đấu Mễ Đạo, cũng gọi là Thiên Sư Đạo, là một giáo phái ra đời trong giai đoạn đầu của Đạo giáo, tức cuối đời Đông Hán (25-220). Từ đời Đông Tấn trở đi, Ngũ Đấu Mễ Đạo được gọi là Thiên Sư Đạo, từ đời nhà Nguyên trở đi gọi là Chính Nhất Đạo. (theo wiki)

(5) Nguyên là "cách vật trí tri". Cách là suy xét, tìm tòi. Vật là sự vật. Trí là tới cùng và Tri là hiểu biết. Cách vật trí tri là suy xét cho thấu suốt về sự vật để hiểu biết đến tận cùng cái lý của nó. (theo Cao Đài)

(6) Phương Hiếu Nhu (1357 - 1402), người Ninh Hải Chiết Giang, là đại thần triều Minh, và là nhà học giả, văn học, tản văn (văn xuôi) và tư tưởng trứ danh. Ông tự là Hy Trực, hiệu Tốn Chí, từng lấy tên "Tốn Chí" đặt cho thư phòng. Thục Hiến vương đổi lại thành "Chính Học", nên đời gọi ông là "Chính Học tiên sinh". Trong giai đoạn "tĩnh nan chi dịch" (cuộc chiến do Minh Thành Tổ Chu Lệ phát động nhằm chiếm ngôi của cháu là Kiến Văn Đế), ông đã cự tuyệt chiếu thư đăng ngai mà Yến vương Chu Lệ soán vị thảo ra. Cương trực bất khuất, hết lòng đơn độc cứu nước, ông bị tru di mười họ.

(7) Mãng bào: Lễ phục của quan viên thời cổ, thêu hình mãng xà, nay không còn. Còn gọi là "hoa y", "mãng phục". Phụ nữ được thụ phong cũng có thể mặc. _

Bạn đang đọc Ngược Về Thời Minh của Nguyệt Quan
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi Mr. Robot
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt thích 4
Lượt đọc 383

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.