Chính Đức Múa Đao
Cùng lúc đó, Lưu Cẩn đang múa mép khua môi xúi giục Hoàng thượng trong phòng. Mặc dù không được mạch lạc nhưng lão cũng lờ mờ biểu đạt được đại ý rằng ngày nay đế vương mở mang bờ cõi phải nhìn ra biển rộng, từ đó thêm oai với thiên hạ mới là vương đạo. Lão khiến cho tiểu hoàng đế Chính Đức thích công to việc lớn nghe đến rạo rực trong người, hận không thể lập tức chế tạo hàng loạt chiến hạm, dẹp yên vùng biển, kiến tạo nên công trạng lừng lẫy.
Nhưng hắn cũng biết chỉ có thể nghĩ vậy mà thôi, những việc này không phải nghĩ được là có thể làm được. Nếu như văn võ cả triều nguây nguẩy không chịu, mà hoàng đế như hắn lại không thể xắn tay xắn áo đích thân xuất mã đi tạo thuyền luyện binh thì việc này xem ra còn phải chờ lâu.
Về đến thư phòng, Dương Lăng sợ Chính Đức hỏi tới Thành Khởi Vận nên vội nâng hai tay dâng trường kiếm lên, cười nói:
- Thần biết Hoàng thượng đam mê võ nghệ, yêu thích binh pháp, vừa may tìm được một cây bảo đao chém sắt như chém bùn, vì vậy có ý muốn hiến dâng để Hoàng thượng thưởng lãm.
Quả nhiên Chính Đức nghe nói là thần binh lợi khí liến rất mừng. Hắn liền vội cầm lấy rồi rút "xoẹt" cây đao ra khỏi vỏ, cả phòng lập tức sáng choang, thanh trường đao ấy có thân thon dài, lưỡi mỏng như giấy, trên mũi đao sáng bóng như tuyết ẩn hiện long văn (hoa văn hình rồng), nhìn hàn quang lấp loé xem ra sắc bén vô cùng.
Dương Lăng mỉm cười thưa:
- Đây là...
- Oa đao, đây là bảo đao cực phẩm!
Chính Đức hưng phấn ngắt lời y. Hắn giơ cây đao lên ngang mày, nheo mắt quan sát lưỡi đao, sau đó lại cầm hai tay nâng lên cân nhắc trọng lượng đao, rồi cười ha hả:
- Đao này so với Oa đao cất trong cung xem ra còn tốt hơn mấy phần. Thuật rèn đao của Nhật Bản đã tiến bộ hơn trước rồi.
Dương Lăng kinh ngạc hỏi:
- Hoàng thượng nhận ra cây đao này sao?
Chính Đức cười đắc ý:
- Trong cung có sáu thanh bảo đao do Túc Lợi Nghĩa Mãn (Ashikaga Yoshimitsu) tiến cống, trẫm thường lấy ra chơi, có điều đó đều là đao của cả trăm năm trước rồi.
Năm Vĩnh Lạc, sứ giả các nước Lưu Cầu, Nhật Bản, và Xiêm La đến Đại Minh triều cống, Túc Lợi Nghĩa Mãn từng tiến cống sáu thanh bảo đao. Hai năm sau vua Vĩnh Lạc phái Trịnh Hoà thống lĩnh 10 vạn thuỷ quân đến Nhật Bản, tuyên chỉ với Túc Lợi Nghĩa Mãn: "Giao cho (Nhật Bản) tự mình tiễu trừ giặc khấu, dùng pháp luật của bản quốc mà trừng trị."
Đồng thời vua Vĩnh Lạc ban thưởng cho Túc Lợi Nghĩa Mãn ấn vàng "Nhật Bản Quốc Vương", phong ông ta làm quốc vương Nhật Bản. Túc Lợi Nghĩa Mãn liền viết thư phúc đáp, tự xưng là "quốc vương Nhật Bản, thần nguyên là Nghĩa Mãn", đồng thời bắt giao giặc Oa cho Đại Minh để biểu đạt thành tâm.
Vốn Dương Lăng đã biết nhà Minh từng có chuyện Trung - Nhật hợp tác lùng diệt hải tặc nên mới cố tâm chuẩn bị thanh bảo đao này, tự thân dâng lên cho Chính Đức, định mượn dịp để góp lời, không ngờ Chính Đức lại biết rõ chuyện này như lòng bàn tay.
Dương Lăng rất lấy làm kinh ngạc, do vậy y cần phải sắp xếp lại những ý kiến ban đầu lại một chút. Trong lúc y đang nghĩ ngợi, Chính Đức lấy ngón tay vuốt nhẹ mũi kiếm, vui vẻ ngâm:
- Côn di đạo viễn bất phục thông, thế truyền thiết ngọc thuỳ năng cùng? (Côn Ngô xa tắp lại chẳng thông với Trung thổ, chỉ lưu lại truyền thuyết về thanh bảo kiếm Côn Ngô bổ ngọc như chém bùn.)
Bảo đao cận xuất Nhật Bản quốc, việt cổ đắc chi thương hải đông. (Nay có bảo đao Nhật Bản sản xuất, thương nhân Giang Chiết có được nó tại vùng biển phía đông.)
Ngư bì trang thiếp hương mộc sao. Hoàng bạch gian tạp thâu dữ đồng; (Bao đao làm bằng gỗ hương, trên bao dán hoa văn da cá, thân đao dùng hợp kim đồng kẽm đồng thau đúc thành.)
Bách kim truyền nhập hảo sự thủ, bội phục khả dĩ nhượng yêu hung. (Người thích dùng bỏ ra trăm vàng mua nó, đeo bên người có thể diệt yêu trừ hung.)
Dương thị độc, đó là bài thơ Âu Dương Tu thời Tống tán dương Oa đao, khi ấy danh tiếng Oa đao đã truyền xa. Oa đao nguyên là Đường đao, dùng phương pháp bọc thép để chế tạo. Cũng chính là Tấn Thiết* đao mà người ta thường gọi. Quả thực sắc bén vô cùng, đao này đích thực là một thanh bảo đao, tên nó là gì vậy?" (*thép ròng)
Rồi không đợi Dương Lăng đáp lời, hắn đã xoay thanh đao lại. Nhìn thấy chuôi đao khắc hai chữ Hán: "Đoạn Lãng", hắn không khỏi bật cười:
- Đao đúng là đao tốt, có điều hơi cuồng vọng, chém vàng bổ ngọc thì còn nghe được, chẳng lẽ chưa nghe 'rút đao chém nước nước càng chảy mạnh' à? Đoạn Lãng? Hừm hừm, Đoạn Lãng! (*chém gió, à nhầm,chém sóng)
Dương Lăng không ngờ Chính Đức lại rất hứng thú với vũ khí, mà lại hiểu tận tường như vậy, bèn bội phục nói:
- Dạ, lãng nhân(*) Nhật Bản phần lớn dùng thứ vũ khí sắc bén tiện lợi cho việc bổ chém này. Lúc ở Giang Nam thần thấy vũ khí quân đại Minh ta không bằng người, trên chiến trận hầu như không bằng, cho nên..., nếu như quân đội Đại Minh ai nấy đều mang thanh bảo đao sắc bén như vậy, người Oa nhất định sẽ không dám càn rỡ như thế nữa.
(*) hiệp sĩ lang thang, không thuộc một vương gia vọng tộc, tướng quân nào; thường là kẻ du đãng hơn là hiệp sĩ.
Chính Đức nghe vậy thì cười to:
- Tuy Dương thị độc thạo pháp dẫn binh, song dẫu sao vẫn là xuất thân tú tài, ha ha ha... Quân đội Đại Minh ta ai nấy đều đeo loại đao bọc thép này ư? Không thể nào, không thể nào.
Dương Lăng thấy y cười như vậy thì không khỏi sốt ruột hỏi:
- Sao lại không thể? Thanh Long Tuyền kiếm đó của Hoàng thượng sắc bén không kém gì đao này, chẳng nhẽ Đại Minh ta không rèn được đao đấy ư?
Chính Đức cười hề hề bảo:
- Không phải là không có thợ rèn đao, thực tế là rèn đao bọc thép rất tốn sức và phí thời gian, thép tinh chất cần để dùng đa phần lấy từ Cáp Mật* vệ, sản lượng không đủ mà dùng. Nhật Bản đấy hả... song phương có thể huy động mấy ngàn nhân mã đánh nhau đã là chuyện lớn kinh thiên động địa rồi. Còn quân đội Đại Minh ta nào chỉ trăm vạn, ai nấy đều đeo bảo đao này à? Cho dù trẫm có ngồi trên núi bạc cũng không cách nào làm được." (*thành phố Ha Mi thuộc Tân Cương ngày nay)
Dương Lăng không ngờ vị tiểu hoàng đế ngày thường ghét học, chỉ thích nghiên cứu âm nhạc, kinh Phật và những thứ không liên quan đến chính trị nhưng khi bàn về binh khí lại sành sõi như vậy, muốn giấu cũng không giấu được hắn, thế là thất vọng hỏi:
- Nói như vậy, chúng ta chỉ có thể chấp nhận thua kém về mặt binh khí sao?
Vừa hỏi xong y liền máy động trong lòng, lại nhớ tới hoả khí. Nếu có thể chế tạo được súng trường tầm bắn xa, tốc độ nhanh, hẳn sẽ có thể đối phó với đao bén của người Oa, nếu lại phát triển thêm ít đại pháo có lực sát thương cực lớn...
Chính Đức cười đáp:
- Binh khí không như con người, chưa hẳn đã không có biện pháp khắc chế nó.
Có cơ hội khoe tài học vấn, vẻ mặt hắn trông vô cùng đắc ý:
- Đao bọc thép sắc bén, cứng chắc, nhưng một khi va chạm mạnh sẽ bị hư tổn, sẽ trở thành sắt vụn không thể phục hồi, dùng thiết côn hoặc phác đao sống dày đều có thể khắc chế.
Hắn hơi dạng chân, vung bảo đao chém "vút vút" vài cái rồi nói tiếp:
- Đao Nhật Bản xem trọng tốc độ, sử dụng lực cánh tay và hông. Chúng dám đối cứng với chúng ta thì đao của chúng coi như là xong.
Hiện tại trong quân còn hơn nửa số sĩ tốt dùng trường mâu phải không? Những cây giáo cán gỗ đó chạm phải loại Oa đao sắc bén như vậy đương nhiên sẽ bị chém đứt ngay. Tuy nhiên... nếu lấy cán thương ngâm trong dầu cây tung đun sôi, vừa chống cháy lại vừa rắn chắc. Lúc đó, cho dù chỉ dùng trường mâu, loại Oa đao này cũng sẽ không có ưu thế.
Dương Lăng nghe mà há hốc mồm, y vốn định khoe khoang chỗ cao siêu của nước khác một chút để khích thích Chính Đức, vạn lần không ngờ Chính Đức lại có thể nghĩ ra được biện pháp như vậy.
Dương Lăng hoàn toàn khâm phục:
- Hoàng thượng anh minh, thần thấy vũ khí địch nhân cường đại thì nghĩ chỉ có chế tạo được vũ khí cường đại hơn mới có thể khắc chế, mà không hề nghĩ đến biện pháp đơn giản dễ làm lại phù hợp với thực tế như vậy, thật sự hổ thẹn.
Chính Đức thấy đã khiến y nhụt chí, bèn mới đắc ý cười nói:
- Dương thị độc không cần lấy làm hổ thẹn, thực ra trẫm nào nghĩ ra được biện pháp ấy? Lúc khanh dẹp Oa ở Hải Ninh có nhánh vệ quân bỏ chạy, tin báo về kinh, tất cả đám ngôn quan ngự sử đều dâng sớ yêu cầu nghiêm trị tướng lĩnh dẫn binh, chỉ có một người dâng sớ nói rằng vũ khí vệ sở không bằng đối phương nên đã đề ra những biện pháp này. Trẫm xem thấy thú vị nên mới nhớ một ít. Tấu chương đã phát cho bộ binh chiếu theo mà làm rồi.
Hắn nghĩ ngợi một lát rồi hỏi:
- Người đó là ai ấy nhỉ? Vương... Vương cái gì Nhân đó, là một viên quan nhỏ... Lưu Cẩn, ngươi có nhớ không?
Lưu Cẩn giật nảy mình. Cái tay chủ sự bộ binh tên là Vương Thủ Nhân đó là một tên quan bé xíu như hạt vừng thế mà lại dám dâng sớ cầu xin cho đám người Đới Tiễn, mắng thẳng lão là gian thần lộng quyền, giờ đã bị lão cho đánh ba mươi đình trượng, ném vào trong đại lao. Chỉ bởi kẻ ấy là con trai của thượng thư bộ Lễ là Vương Hoa cho nên nhất thời lão chưa biết phải xử trí thế nào. Sao hoàng thượng lại nhớ đến hắn vậy.
Lưu Cẩn ấp úng đáp:
- Ơ... nô tài cũng không nhớ rõ lắm, hình như là có viên quan như vậy.
Dương Lăng nghe tên cảm thấy quen tai, đang định chen miệng vào hỏi lại thấy Thành Khởi Vận khoan thai bước vào, y liền ngậm miệng lại. Thành Khởi Vận hai mắt nhìn thẳng, không thèm để ý đến Dương Lăng chỉ điềm nhiên mỉm cười nói với Chính Đức:
- Thảo dân tuy không thông thạo võ nghệ nhưng cũng thấy được thanh đao này của Hoàng thượng sát khí đằng đằng, là bảo đao thì phải.
Chính Đức cười đáp:
- Đúng vậy, Dương thị độc biết rõ lòng trẫm, những thứ giúp trẫm tìm về đều rất hợp khẩu vị của trẫm. Trung thổ tuy lớn, nhưng xem ra bên ngoài bầu trời này vẫn còn một số vật tốt.
Thành Khởi Vận vui vẻ tiếp lời:
- Hoàng thượng nói rất phải, Đại Minh tuy lớn nhưng cũng không thể bao trùm bốn bể. Không nói những cái khác, cho dù là vương hầu công khanh, tiểu thương tiểu lái đều cần rất nhiều rau dưa và gia vị như hành, tỏi, ngò, cần, dưa leo,... Chẳng phải những loại trái cây như nho, dưa hấu, và lựu đều từ nước ngoài truyền vào nước ta từ thời Hán - Đường đấy ư?
Thời ấy ngựa xe đường bộ, thuyền buồm đường thuỷ đều không đi được xa, nhưng nay thì không như vậy. Đã có phiên quốc từ vạn dặm xa xôi đến thăm viếng. Thường có câu sơn ngoại hữu sơn, thiên ngoại hữu thiên, sao biết bên ngoài dị quốc không có dị quốc chứ?
Thiên triều thượng quốc có dung nạp thì mới lớn mạnh. Nếu quen thuộc sở trường kẻ khác, hội tụ đồ vật bốn bể, trong triều có những thần tử trung tâm báo quốc, văn thao vũ lược như Lưu công công và Dương đại nhân, Hoàng thượng lại biết tin dùng người tài, thưởng phạt công minh, vua tôi một lòng như vậy, thì sao phải lo không thể mở đầu trang thịnh thế cho Đại Minh, lưu danh thiên cổ?
Lưu Cẩn nghe Thành Khởi Vận đặt lão lên trước Dương Lăng, tung hô lão là trung can tài giỏi trước mặt Hoàng thượng thì không khỏi nở mặt nở mày. Chính Đức nghe xong cũng liên tục gật đầu, bộ dáng như có điều suy ngẫm.
Nếu nói ra mấy đạo lý to tát thì chưa chắc hắn đã nghe lọt tai, nhưng Thành Khởi Vận lại bắt đầu từ những thứ thông dụng như hành tỏi mà gia đình nào cũng cần ra để nói, đơn giản và tinh tế, càng khiến người ta dễ tiếp thu.
Dương Lăng thấy nàng ta biểu đạt lời mà mình muốn trình bày một cách khéo léo như vậy thì không khỏi nhìn nàng tỏ ý khen ngợi, trong lòng cảm thấy hối hận: “Có phải mình đã quá khắc khe với nàng ta rồi không? Bạt kiếm uy hiếp cô ta, là bởi việc cô ta xuống tay đâm chết Mạc Thanh Hà đã lưu lại cho mình ấn tượng quá đậm, hay vì bởi mưu trí thường ngày của cô ta không thua kém bậc mày râu khiến mình mang dạ đề phòng?”
Thành Khởi Vận nói xong liền liếc nhanh về phía y, vừa chạm vào ánh mắt y nàng liền thu ánh mắt lại. Chợt phát hiện ánh mắt của y hơi không bình thường, thế là nàng lại lướt nhìn một cái thật sâu rồi mới cười nhạt một tiếng, khuôn mặt như phủ một làn sương nhẹ, nhìn không ra nàng ấy đang vui hay giận hờn.
Chính Đức ngồi trong nội thư phòng nghe Dương Lăng kể chuyện y làm ở Giang Nam, Thành Khởi Vận cơ trí khôn lanh, đứng bên cạnh ra sức phụ hoạ, kể một cách hết sức sống động. Chính Đức nghe nói về phong thổ nhân tình dân gian thì cảm thấy rất là mới lạ và thú vị, nghe nói tới hành động phạm pháp của đám nịnh thần thì giận đến đỏ bừng mặt rồng, mãi đến lúc trời đã nhá nhem, Lưu Cẩn nhắc nhở, hắn mới sực nhớ đã đến lúc phải trở về cung rồi.
Hàn Ấu Nương dẫn hai vị phu nhân cáo mệnh là Ngọc Đường Xuân và Tuyết Lý Mai đưa tiễn thánh giá khỏi hậu viên. Dương Lăng và Thành Khởi Vận đi theo Chính Đức đến tiền sảnh, đứng dưới hành lang, Lưu Cẩn chạy xuống chỉ huy người dắt hai thớt bạch mã ở bên sân buộc vào càng xe.
Thành Khởi Vận tâm tư nhanh nhạy, qua cảm nhận thần sắc của Chính Đức nàng biết rằng hoàng thượng chưa có dịp tâm sự riêng với Dương Lăng, bèn ôm thanh bảo đao "Đoạn Lãng" mỉm cười đi theo Lưu Cẩn, để hai người có thời gian ở riêng với nhau.
Chính Đức đứng dưới hành lang mỉm cười nói với Dương Lăng:
- Được rồi, khanh cũng đừng giả vờ nằm ở nhà nữa. Cho khanh thêm mười ngày nữa để nghỉ ngơi, sau đó phải ngoan ngoãn hồi triều đó.
Dương Lăng đáp:
- Hoàng thượng, cho dù thần có hồi triều cũng sẽ làm việc ở đây thôi, nha môn Nội xưởng được thiết lập ở hậu sơn mà.
Chính Đức sực nhớ ra, bèn nói:
- Ừ nhỉ,... ừm...
Hắn quan sát Dương Lăng một lượt, lại hỏi:
- Có muốn kiêm thêm chức vụ gì không? Khanh không thể vào triều nghị chánh (thảo luận chính sự), trẫm muốn tìm khanh để thương nghị việc gì cũng rất phiền toái.
Dương Lăng đáp:
- Người của xưởng vệ không thể kiêm chức trong triều, nay Nội xưởng mới vừa chuẩn bị được thành lập, thần lại không thể bỏ dỡ nửa chừng. Nếu thần vào triều can dự chính sự thì Hoàng thượng sẽ lại bị ngôn quan hặc tội đó. Hay là Hoàng thượng muốn tìm thần cứ sai người triệu thần một tiếng, thần sẽ lập tức vào cung kiến giá là được.
Chính Đức đồng ý:
- Cũng được, đầu xuân trẫm sẽ dọn đến báo phòng ở, lúc đó sẽ bớt được nhiều quy củ, đỡ phải bị mấy lão già đó gắt giận vô cớ, khanh muốn đến cũng tiện hơn nhiều. Trẫm đang bảo bọn Lưu Cẩn và Mã Vĩnh Thành dọn dẹp gấp rút đây.
Từ đằng xa nghe nhắc đến tên mình, Lưu Cẩn liền vội chạy ào qua hỏi:
- Hoàng thượng, người cho gọi nô tài ạ?
Chính Đức cười mắng:
- Cút ngươi đi, trẫm gọi ngươi để làm gì?
Lưu Cẩn cười nịnh hùa theo rồi lại chạy ù đi. Chính Đức thở dài nói tiếp:
- Trẫm ở trong cung chán lắm rồi. Mỗi lần đi thỉnh an Thái hậu thì suốt ngày người cứ càm ràm bảo trẫm phải quan tâm chiếu cố đến huynh đệ Thọ Ninh hầu, đến gặp Thái hoàng thái hậu thì ngài lại cả ngày trách móc trẫm chơi bời lêu lổng.
Ôi, trẫm mà đi dạo lòng vòng trong cung ấy hả, cái đám thần tử ngoại đình đó rất thính, lập tức chúng dâng sớ lên ngay, cung Khôn Ninh cũng không được yên ổn - nói đến đây hắn cười khổ sở một tiếng rồi tiếp: - Thấy gia đình khanh hoà thuận vui vẻ, trẫm hâm mộ khôn thôi. Ấu Nương tỷ tỷ rất có phong phạm vợ cả, nào như trong cung...
Hoàng hậu cả ngày chỉ chú ý đến lễ nghi hoàng hậu, cô nương mười bốn tuổi mà tính tình khô khan chán ngắt, trẫm lười chả muốn gặp nàng ta. Ngược lại Ngô phi còn biết thức thời hiểu chuyện, nhưng mà vì Hoàng hậu giận trẫm, nên nhiều lần hoạnh hoẹ khó dễ, khiến trẫm càng ghét nàng ta hơn.
Dương Lăng ngẩn ra, những chuyện như sau đại hôn hoàng thượng không còn thiết tha đến chuyện nội cung, rất ít khi sủng ái hậu phi y cũng từng nghe nói. Thì ra hoàng thượng vẫn thích Ngô phi hơn, nhưng y lại ngại hoàng hậu do chuyện gì vậy?
Nhớ lại những quy củ cung đình mình từng được đọc lúc còn làm phó sứ tổ chức đại hôn cho Hoàng thượng, Dương Lăng mới sực hiểu. Lý do là tuy trong cung Hoàng thượng có quyền tuyển chọn phi tử hầu hạ mình, nhưng còn có một thủ tục đó là phải được Hoàng hậu phê thuận bằng cách đóng dấu kim ấn thì Kính Sự phòng mới có thể đưa phi tử vào tẩm cung gặp Hoàng thượng được.
Nghe ngữ điệu này của Chính Đức, y hiểu một thiếu niên mười sáu và một thiếu nữ mười bốn, tuy nói là Hoàng đế và Hoàng hậu nhưng chẳng qua cũng chỉ là đôi nam nữ trẻ tuổi thôi. Đôi vợ chồng son giận nhau, nhất định Hoàng hậu tìm mọi cách gây khó dễ với việc thị tẩm của Hoàng thượng, hòng ép Chính Đức phải cúi đầu. Nhưng với tính khí của mình, Chính Đức sẽ chịu xuống nước nói ngọt ư?
Mấy chuyện bí ẩncung đình này Dương Lăng cũng không tiện chen vào, nhất thời y cũng ấp úng không biết nói thế nào. Chính Đức ngó xung quanh một chút rồi ngượng nghịu thấp giọng:
- Không giấu gì khanh, chuyện phòng the có cái lạc thú riêng của nó, nhưng mấy vị hậu phi của trẫm quá khô khan đi, trẫm... trẫm bỗng rất nhớ tám người nữ quan đã dạy trẫm nhân luân đại lễ khi làm đại hôn đó. So với bọn họ, mấy người nữ quan nọ đáng yêu hơn nhiều.
Dương Lăng nhìn hắn với ánh mắt kỳ dị, thầm nghĩ: "Trong sách sử nói rằng Chính Đức yêu thích những phu nhân đã có gia đình, chẳng lẽ... là do bệnh căn lưu lại từ lúc này à? Mấy người nữ quan dung mạo xinh đẹp đó đều mười tám mười chín tuổi, trước đó đã từng học qua thuật khuê phòng, Chính Đức đương nhiên là thích vui vẻ với những cô gái dịu dàng biết điều như bọn họ hơn là ba thiếu nữ ngây thơ mới mười bốn tuổi rồi.”
Dương Lăng lúng túng ho khan vài tiếng. Hoàng thượng chịu kể chuyện riêng tư thầm kín như vậy với y, đương nhiên đã coi y như tri kỷ có thể thổ lộ hết mọi tâm sự, nhưng mình có thể giúp đỡ gì đây?
Đúng vào lúc này, trước cửa bỗng vọng lại những âm thanh huyên náo kịp thời giải cứu Dương Lăng khỏi tình huống khó xử, y liền vội quay sang lão quản gia đang giữ cổng quát lớn:
- Chuyện gì mà ồn ào vậy?
Cao quản gia liền vội chạy đến khom người đáp:
- Hồi bẩm lão gia, Lý cử nhân làm ầm ĩ đến cửa tìm đại nhân, lão nô đã bảo hắn trong nhà có khách quý, ngày khác hãy đến nhưng hắn lại nói cái gì mà cho dù có mặt Hoàng thượng hắn cũng phải gặp mặt lý luận với đại nhân một phen.
- Lý cử nhân? Lý cử nhân nào vậy?
Dương Lăng lấy làm khó hiểu, những người mình quen biết đâu có lão gia cử nhân nào đâu ta?
Cao quản gia ngẩng đầu trộm nhìn Hoàng thượng đang cải trang vi hành một chút rồi nhỏ giọng nhắc:
- Chính là... là... vị hôn phu của Văn Tâm tiểu thư ạ...
- À, là hắn!
Dương Lăng thoáng giật mình, kế đó bừng giận, mặt thoáng đỏ lên. Ngày đó kẻ hủy hôn là hắn, tung tin bịa đặt nói y và Cao Văn Tâm làm ra những chuyện hạ lưu, rõ thật sao có thể thế được. Hắn còn dám tìm đến cửa nhà mình, cho dù mình thật sự muốn Văn Tâm đi nữa thì hắn dựa vào thân phận gì để gây gỗ chứ?
Chu Hậu Chiếu nghe vậy thì đảo mắt nghi ngờ hỏi:
- Vị hôn phu của ai đánh đến cửa vậy? Dương thị độc, khanh... khanh cưỡng bắt dân nữ hay sao?
Hoàng thượng đã hỏi không thể không đáp, Dương Lăng giậm chân đáp:
- Hoàng thượng! Chính là con gái của Cao thái y năm xưa. Hoàng thượng ban thưởng nàng ta cho thần, phụ trách chữa trị cho vợ thần. Vì thân phận nàng ta là gia nô nên người trước đây đã đính hôn với nàng ta là Lý cử nhân đã huỷ hôn, không biết sao y còn cố đến nhà gây chuyện.
Chính Đức tỉnh ngộ bèn bảo:
- Ồ, té ra là cô ta!
Hắn nghe kể người đã huỷ hôn lại đến nhà Dương thị độc kiếm chuyện gây hấn thì không khỏi sinh lòng hiếu kỳ, liền nói tiếp:
- Đi, đi xem sao! Xem hắn có gì muốn nói. Nếu như vô lý sinh sự thì sẽ cho hắn một trận.
Chính Đức đi trước dẫn đường, Dương Lăng vội theo sau, Lưu Cẩn và Thành Khởi Vận cũng dẫn theo đám thị vệ đuổi theo. Mọi người chạy đến cổng, chỉ thấy hai tay gia đinh đang chặn một người vận áo dài xanh khoác áo kép hoa tròn, dáng người mập mạp, tuổi trạc ba mươi, mặt đen chữ điền, hai hàng ria đen trông rất oai nghiêm.
Dương Lăng quan sát một chút, thấy sau lưng hắn còn có hai người thanh niên tuổi hơn hai mươi, ăn mặc phong phanh giản dị hơn, thì không khỏi lấy làm lạ hỏi:
- Quản gia, Lý cử nhân đâu?
Lão quản gia còn chưa đáp lời, người mặc áo dài xanh nọ bỗng giận tím mặt, quát to:
- Tên họ Dương kia, đừng khinh người quá đáng! Cho dù ngươi là mệnh quan triều đình đi nữa cũng không thể khinh thường ta như vậy?
Đoạn hắn lùi một bước, cuối xuống phủi phủi áo rồi lại khinh miệt liếc qua Dương Lăng, vênh mặt lên trời, ngạo nghễ:
- Sĩ tử thi Hương năm Hoằng Trị thứ mười lăm Lý Kế Mạnh chính là tại hạ!
Dương Lăng trợn mắt kinh ngạc nhìn hắn. Đây chính là vị hôn phu của Cao Văn Tâm sao? Tướng mạo xấu xí cũng không sao, nam nhân xem trọng người tài mà, nhưng tuổi tác này... chẳng phải người thời này đều tảo hôn sao?
Dương Lăng chắp tay lắp bắp chào:
- Hoá ra... huynh đài chính là Lý cử nhân, thất kính thất kính.
Lý cử nhân phất tay áo, hậm hực:
- Không dám trèo cao!
Tuy bị mắng tét tát song Dương Lăng lại không cảm thấy tức giận. Y biết những kẻ mọt sách này rất xem trọng thành phần xuất thân, mình chỉ là tú tài năm Hoằng Trị thứ mười lăm, còn người ta là cử nhân, thua kém một cấp. Nếu không phải vì mình có địa vị cao thì quả thực khi gặp nhau, mình sẽ phải bợ đỡ người ta mất rồi.
Y cười trừ, đổi giọng hỏi:
- Lý gia thôn và Cao Lão trang là láng giềng lân cận, có điều Dương mỗ mới dọn đến không lâu, vẫn chưa có dịp kết giao với quý láng giềng các hạ đây. Chẳng hay hôm nay Lý cử nhân đến viếng là có việc gì?
Lý cử nhân giận đến run tay, hắn trợn mắt nhìn Dương Lăng một hồi lâu rồi mới tức giận nói:
- Học sinh là môn đệ thư hương, quan hoạn thế gia, cớ sao Dương đại nhân khinh học sinh đến vậy? Cao gia mạo phạm thiên nhan, vốn phải bị xử tử cả nhà!
Rồi hắn ôm quyền hướng lên trời chắp tay, dõng dạc nói tiếp:
- Thánh thượng nhân đức, chỉ giáng ả làm nô tỳ, Lý mỗ mang công danh trên người, sao có thể cưới một nữ tỳ về làm vợ? Mỗ huỷ hôn là việc thiên kinh địa nghĩa, ai dám nói không, ý tốt thành toàn của đại nhân, học sinh đã khéo lời từ tạ. Ả là nô hay thiếp ở Dương gia, đều không liên quan gì đến Lý mỗ. Thế mà cái con tiện tỳ này...
Dương Lăng nãy giờ kiên nhẫn lắng nghe, song nghe đến những lời vô lễ này, y lập tức bùng lửa giận, liền bước lên một bước, đanh mặt:
- Ai là tiện tỳ? Cao Văn Tâm đã vào nhà họ Dương thì chính là người nhà họ Dương, há có thể mặc cho ngươi sỉ nhục như vậy?
Dương Lăng nắm đại quyền trong tay, sinh sát trách phạt chỉ xảy ra trong nháy mắt, lâu ngày tự tạo thành quan uy. Lúc này thần sắc nghiêm nghị, nét mặt và cử chỉ của y đều toát ra khí thế bức nhân.
Lý cử nhân không khỏi hoảng sợ lui lại mấy bước, nhưng vẫn ương ngạnh:
- Chẳng lẽ một người đắc đạo thì gà chó đều được lên trời hay sao? Thân phận Cao Văn Tâm đang là quan nô, cho dù là tiểu thương tôi tớ, nông phu ruộng đồng đều có thể gọi ả là tiện tỳ. Cho dù đại nhân quyền khuynh triều chính thì ả vẫn là đứa tiện tỳ!
Sắc mặt Dương Lăng tím bầm, nhưng Cao Văn Tâm đúng là đang có thân phận tiện nô, địa vị ngang bằng với kỹ nữ thanh lâu, đó là sự thật không thể chối cãi. Lý cử nhân nhắm vào điểm này, y còn có thể cậy vào quyền thế để đòi mạng người ta hay sao?
Hoàng đế Chính Đức bó ống tay áo đứng trên bậc thềm, khoan thai bảo:
- Lý cử nhân nói vậy là sai rồi. Ngươi đã biết là Hoàng thượng nhân đức, thế sao lại không biết Hoàng thượng đã hạ ân chỉ, tước bỏ tiện tịch* của Cao Văn Tâm? (*thân phận ti tiện)
Hiện nay nàng ta đã là thái y ngự tứ* chuyên chữa bệnh cho nhà họ Dương, là nữ quan có phẩm tước. Dám phỉ báng mệnh quan triều đình, ngươi hãy coi chừng đường công danh của mình đó! (*được vua ban cho)
Dương Lăng mừng rơn, y ngoái đầu nhìn Chính Đức, mắt tràn ngập sự cảm kích. Chính Đức mỉm cười, thấy y như vậy, lòng hắn cũng thấy rất vui.
Trước đây vì giận dữ mà hắn đã giết nhầm Cao thái y, về sau mới biết là thái giám bốc sai thuốc, hắn biết rằng mình đã giết nhầm người. Nhưng thân là thiên tử sao có thể nhận sai? Nên cũng chỉ đành đã đâm lao thì phải theo lao, nhưng hắn đã không còn oán giận gì nhà họ Cao nữa. Lúc này thấy Dương Lăng để ý đến việc một nữ tỳ bị sỉ nhục như vậy, y cũng lờ mờ đoán ra mấy phần tâm ý của y, đành thuận nước giong thuyền, đền bù cho sai lầm của mình lúc trước.
Có được câu nói này của Hoàng thượng, Dương Lăng cảm thấy yên tâm vô cùng, y liền bước tới một bước, sảng khoái cười nói:
- Lý cử nhân, ngươi đã nghe rồi chứ? Niệm tình ngươi cô lậu quả văn, ta cũng không so đo việc hôm nay nữa, sau này ngươi còn mở miệng vô lễ, ta sẽ giao ngươi cho Thuận Thiên phủ, mời Học Chính đại nhân hỏi xem học sinh của lão có biết tôn ti trên dưới hay không!
Lý cử nhân chỉ mới có tư cách làm quan, nhưng Cao Văn Tâm lại đã trở thành quan viên đương chức, địa vị đương nhiên cao hơn hắn. Lý cử nhân ngạc nhiên nghi ngờ, không biết vị công tử đứng trên bậc thềm đó là người nào, tuy nhiên giả truyền thánh chỉ là tội đại nghịch, gã Dương Lăng cũng không dám bịa ra, vậy con tiện tỳ đó được ân chỉ này từ lúc nào?
Phải rồi, Dương Lăng là thân tín của Hoàng thượng. Hắn với con tiện tỳ đó có tư tình, đương nhiên sẽ cầu tình cho ả. Không ngờ con tiện tỳ này ôm hận trả thù, lại dùng sắc mê hoặc Dương Lăng, khiến hắn chia rẽ nhân duyên của mình. Chuyện này sao có thể bỏ qua?
Nghĩ vậy, Lý cử nhân vừa ghét vừa hận. Hắn nghiến răng, đành phải thuận theo:
- Học sinh không biết, mong đại nhân thứ tội. Nhưng mà... học sinh và tiểu thư của Hữu đô ngự sử Lưu đại nhân hứa hôn đã ngăn trở đại nhân việc gì sao? Cớ sao đại nhân lại dùng quyền thế mà áp bức, khiến cho Lưu đại nhân trả lại sính lễ của học sinh?
Hữu đô ngự sử Lưu đại nhân? Là ai vậy? Dương Lăng vừa tức giận vừa thấy buồn cười, y thật sự không hề có hảo cảm gì với tên Lý cử nhân ngu đần cổ hủ hám danh lợi này. Nghe thấy hắn nói nay cũng đã nếm phải mùi vị bị người ta từ hôn, trong lòng y bất giác cảm thấy sảng khoái, nhưng trong ấn tượng của mình thì hình như mình không hề quen biết với ai là Hữu đô ngự sử à, sao lại đổ cái tiếng xấu này lên đầu mình vậy ta?
Lưu Cẩn đứng bên cạnh nghe, bỗng nhiên sực tỉnh ngộ: “Cái tên Lưu Vũ này, cái đứa con gái bà không yêu cậu không quý nhà ngươi đó gả được vào nhà nào thì gả đi, ngươi nghĩ Dương đại nhân rảnh để để ý đến cái chuyện xui xẻo này của ngươi à? Lúc ta nghe chuyện con gái ngươi đính hôn đã bép xép kể cho ngươi chuyện hiềm khích giữa Dương Lăng và Lý gia. Cho dù ngươi muốn vuốt đuôi ngựa thì cũng không cần phải làm như vậy chứ?”
Lưu Cẩn biết rằng một khi Dương Lăng bắt tay truy vấn thì nhất định y sẽ tìm đến Lưu Vũ để đối chứng, lão liền đảo tròng mắt, ghé vào tai Chính Đức nói nhỏ mấy câu...
Đăng bởi | Mr. Robot |
Phiên bản | Dịch |
Thời gian | |
Lượt thích | 7 |
Lượt đọc | 295 |