Báo Ứng phùng báo ứng - Giang biên khấp hiền thê
Ðêm ấy chỉ bình yên được đến cuối canh ba thì Nhương Thư phát hiện có tiếng chân người dẫm gãy cành khô. Chàng bật dậy, đánh động Thúy Sơn.
Hai người khoác vội y phục bước ra. Qua song cửa sổ phía trước, đôi mắt cú vọ của Nhương Thư thấy hàng chục bóng đen đã vây quanh mộc xá.
Thiên la địa võng đã khép kín, đuốc thông được đốt lên để thị uy, và có tiếng âm trầm vang lên :
- Tích Bảo chân nhân! Bổn tọa là Hội chủ Báo Ứng hội, cùng các cao thủ hạng nhất đã vây chặt nơi này! Lão muốn sống thì phải đem Mạc Gia thần kiếm ra đây nạp. Bổn tọa hứa sẽ không đòi thêm bất cứ vật gì!
Thúy Sơn sợ hãi thì thầm :
- Ðại ca! Chúng ta xui xẻo nên mới chết thay cho lão Tích Bảo chân nhân Tư Mã Hầu! Không ngờ căn mộc xá nghèo nàn này lại là nhà của kẻ giàu có nhất võ lâm!
Lúc còn ở Lạc Dương, Nhương Thư trong vai Tần Nhật Phủ, đã nghe nói nhiều về sự lợi hại của Báo Ứng hội. Nay lại không có kiếm trong tay, chàng như hổ bị chặt móng, chẳng dám sính cường vì sợ hại đến Thúy Sơn. Nàng có kiếm nhưng vũ khí của chàng thì đã rơi lại ở Cô Ðộc bảo.
Nhương Thư nói ngay :
- Sơn muội! Chúng ta sẽ thoát ra bằng lối sau, nàng chạy trước mở đường. Ta dùng Lục Mạch thần chỉ đoạn hậu!
Xem ra, chỉ có kế thứ ba mươi sáu là đắc sách, hai người lần xuống bếp rồi bất ngờ xông ra. Biết đệ tử Báo Ứng hội giỏi nghề phóng độc châm. Nhương Thư đã cầm theo cây gậy trúc già của chủ nhà.
Mấy ngày qua, chàng đã dùng thanh trúc này để dạy cho Thúy Sơn vài chiêu kiếm pháp. Có nó chàng vững tâm hơn vì chẳng thể dùng đôi bàn tay thịt để đối phó với ám khí được.
Quả nhiên, phòng tuyến đối phương ở phía sau mộc xá lập tức chặn vợ chồng Nhương Thư bằng trận mưa kim độc.
Nhương Thư cố ý vượt lên trước, múa tít gậy trúc che chắn cho ái thê.
Công lực gần hoa giáp cộng với kiếm thuật siêu phàm đã tạo nên bức tường kín đáo, vững vàng đánh bạt tất cả những mũi kim thép dài nửa gang tẩm độc đen sì.
Và Nhương Thư ập đến như cơn lốc, gậy trúc vừa va chạm với vũ khí của kẻ thù là tả thủ đã xạ liền một đạo chỉ phong.
Khi giáp chiến, thần chỉ còn lợi hại hơn ám khí bội phần, vì chẳng cần phải móc ra hay lắc cổ tay. Chỉ kình từ đầu ngón giữa xạ ra như tia chớp, xoèn xoẹt xé gió và xuyên thủng da thịt kẻ thù. Chàng không cần bắn vào mắt vì bọn sát thủ Báo Ứng hội không có công lực trăm năm, không luyện thành cương khí hộ thân như Âm Sơn lão tổ.
Trong phép kiếm chỉ hợp nhất, Nhương Thư thường sử dụng hai đạo chỉ kình xuất phát từ hai huyệt Thương Dương, Trung Xung, vì chúng nằm trên đầu ngón trỏ và ngón giữa.
Trong tư thế bắt kiếm ấn của bàn tay tả, hai ngón này luôn chĩa ra, nên chỉ xuất chính xác và bất ngờ.
Những đạo chỉ kình vun vút bay ra trong màn đêm nhập nhòe ánh đuốc nên bọn Báo Ứng hội không tài nào tránh nổi.
Trong cảnh nguy ngập, Nhương Thư chẳng thể giữ được lòng nhân hậu, ra tay rất tàn nhẫn để đưa ái thê thoát thân.
Chàng liên tục khoét lỗ trên thân thể đối phương và tiếng rên la vang dội cả rừng đêm.
Gậy trúc cũng chẳng phải hoàn toàn vô huyết trong tay một kiếm sĩ thượng thừa. Mũi gậy biến hóa khôn lường, thọc thẳng vào tử huyệt kẻ địch, không đâm thủng da thịt, nhưng chân khí vào tận đáy, đủ để lấy mạng người.
Bản lãnh Thúy Sơn kém chàng vài bậc, song cũng kiêu dũng hơn bọn sát thủ. Nàng sát cánh với trượng phu mở đường máu, mắt phượng tròn xoe đầy sát khí, kiếm quang lồng lộng phủ sương.
Vợ chồng Nhương Thư giết liền mười sáu gã sát thủ, vừa đánh vừa chạy về hướng Bắc, song Báo Ứng hội chủ Ðào Thiên Hậu và bốn cao thủ lão thành đã truy đuổi ráo riết chẳng chịu rời.
Ðến thảm cỏ trống, Nhương Thư liền hối thúc Thúy Sơn :
- Nàng hãy thoát đi trước, ta chậm lại chặn đường! Hẹn gặp nhau ở Lạc Dương!
Biết chàng võ nghệ siêu phàm, khinh công xuất chúng, không thể bị vây được, Thúy Sơn cắn răng đào tẩu trước vào màn đêm.
Nhương Thư bắt đầu quay ngoắt lại, lao vào một gã sát thủ, xạ liền hai đạo chỉ kình đả thương gã rồi đoạt lấy kiếm. Gã này nhanh chân hơn đồng bọn nên đã lãnh đủ.
Nhương Thư vung cước đá văng xác nạn nhân rồi hiên ngang đứng lại quát vang :
- Ðào Thiên Hậu! Ta là Tứ Mi Ngọc Diện kiếm khách Tần Nhật Phủ đây!
Danh tiếng của đại sát tinh đất Hà Bắc đã khiến họ Ðào chột dạ, giữ bốn vị hộ pháp ở lại với mình, chỉ để bọn tép riu truy sát Thúy Sơn.
Nhương Thư nói tiếp :
- Ðừng cho người đuổi theo nữa! Ta mới là người biết Tích Bảo chân nhân hiện nay ở đâu!
Nghĩ đến cảnh tìm người trong rừng đêm rậm rạp, tối tăm. Ðào Thiên Hậu cũng ngao ngán, tập trung bắt con mồi trước mặt hay hơn. Lão liền ra lệnh cho thủ hạ vây chặt Nhương Thư, không phân tán ra nữa.
Hội chủ Báo Ứng hội được coi là nhân vật hắc đạo tàn ác và thần bí nhất võ lâm. Ngay Vô Ưu Cái và lực lượng hàng vạn của Cái bang cũng không tài nào biết được mặt thật của họ Ðào, hoặc sào huyệt của Báo Ứng hội.
Cái tên Ðào Thiên Hậu là do lão tự khai chứ chưa chắc đã là thực. Lão ta có thân hình tầm thước, dáng vóc trung bình, không gầy, không béo và luôn mang mặt nạ.
Với hình dạng bình thường như thế, Ðào Thiên Hậu dễ dàng hòa lẫn vào xã hội. Cả thuộc hạ lão cũng vậy, họ trà trộn vào bách tính, sống bằng những nghề rất lương thiện, khi được lệnh mới hành động. Tóm lại, Báo Ứng hội không hề có sào huyệt, hội viên liên kết với nhau bằng mật hiệu, được điều động bởi bốn thủ hạ lão luyện, thân tín của Hội chủ. Chỉ có bốn người này mới biết lai lịch thật của Ðào Thiên Hậu. Tất nhiên họ tuyệt đối trung thành, thà chết chứ không khai báo.
Chính nhờ lối tổ chức chu đáo, thần bí ấy mà Ðào Thiên Hậu đã thoát khỏi sự truy lùng của Cái bang và Phật Ðăng Thượng Nhân.
Giờ đây họ Ðào xuất hiện trước mặt Nhương Thư bằng dung mạo đã quen thuộc với võ lâm: mắt dài nhỏ, mũi ưng, gò má cao, cằm bạnh. Những nét ấy tạo nên vẻ dữ tợn, oai phong và ác độc. Phải chăng lão cố tình gây ấn tượng để che giấu một chân diện hoàn toàn ngược lại.
Ðào Thiên Hậu lạnh lùng hỏi Nhương Thư :
- Tần Nhật Phủ! Bổn tọa nghe nói ngươi một mình một kiếm hạ sát Âm Sơn lão tổ, thân thọ trọng thương được ả vợ góa của Tần Nhương Thư mang đi, vậy vì sao hai ngươi lại có mặt nơi này, và có quan hệ gì với Tích Bảo chân nhân?
Nhương Thư điềm tĩnh đáp :
- Quả đúng thế! Tần đại phu nhân cõng ta chạy lạc vào đây, và hoàn toàn không biết nhà của ai! Lúc ấy mộc xá không có một bóng người!
Ðào Thiên Hậu quắc mắt :
- Thế vì sao hai ngươi lại bỏ chạy, không đứng lại mà phân giải?
Nhương Thư cười nhạt :
- Lão là kẻ thù giết cha Tần Nhương Thư, hiện lại là công địch của võ lâm, liệu có tha cho Bạch Thúy Sơn hay không?
Ðào Thiên Hậu gian xảo có thừa, mắt sắc như dao, nhận ra đối phương rất thành thực. Song lão hỏi gằn :
- Ngươi có dám đem danh dự ra bảo đảm cho lời nói của mình không?
Nhương Thư gật đầu :
- Tần mỗ là kẻ cao ngạo, chẳng thèm nói láo bao giờ! Song phương vốn không thù oán, Ðào môn chủ hãy rút quân để tránh thương vong!
Lúc đầu, Ðào Thiên Hậu vẫn nghi ngờ Nhật Phủ là Nhương Thư hóa thân, song thấy chàng chẳng chút sát khí khi gặp mình là kẻ thù giết cha, mối hoài nghi kia liền tan biến. Lão vuốt chòm râu cằm dài và đen nhánh suy nghĩ một lúc rồi nói :
- Quan điểm của lão phu rất rạch ròi, không bạn thì là thù! Nếu ngươi đã đầu phục hội đồng võ lâm tất trước sau cũng tìm cách tiêu diệt Báo Ứng hội! Do vậy, đêm nay, nếu ngươi muốn sống thì phải qui hàng bổn tọa!
Nhương Thư dựng ngược đôi lông mày kép và nạt :
- Cuồng phu! Lão tưởng bổn công tử sợ lũ chó sơn hay sao?
Dứt lời, chàng thi triển phép Ngự kiếm, hung hãn lao đến như cơn bão. Chiêu “Chân Nhân Ðảo Mệnh” này được Nhương Thư dồn hết mười hai thành công lực nên khí thế cực kỳ bá đạo, kiếm kình rít vo vo, kiếm phong lạnh lẽo tỏa rộng. Huyền Không kiếm pháp là tuyệt học Ðạo gia, hiểm và xảo hơn hẳn Phật Ðăng kiếm pháp.
Ðào Thiên Hậu và bốn lão già râu bạc vội liên thủ chống đỡ, chẳng dám xem thường cơn thịnh nộ của kẻ đã từng giết Âm Sơn lão tổ Lương Dã Toàn.
Năm người này đều có công lực tương đương hoa giáp, lại quen lối đánh lượng bích nên đã chặn đứng được chiêu kiếm kinh hồn của Nhương Thư.
Tiếng thép chạm nhau vang rền, Nhương Thư nghe thân kiếm chấn động mạnh, tự lượng sức mình không bằng bèn mượn lực phản chấn nhảy lùi. Song chàng lập tức lướt chếch sang mé hữu, tấn công lão già cầm Cửu Hoàn đao, không đánh vào trung lộ nữa.
Báo Ứng hội là nơi qui tụ những kẻ ác độc, tham lam trên giang hồ, mỗi người một xuất xứ, chẳng cùng môn phái. Do vậy, tuy Báo Ứng hội chủ sử dụng trường kiếm nhưng bốn hộ pháp và các sát thủ thì không nhất thiết phải như thế. Trong bốn lão già kia, chỉ mình người bị mất nửa vành tai trái là dùng kiếm giống Ðào Thiên Hậu mà thôi.
Nhắc lại, Nhương Thư muốn phá thế liên thủ của đối phương nên tìm cách chia để diệt. Chàng chừa ba phần chân khí cho tay tả và chụp lưới kiếm vào lão cầm đao.
Tuy chỉ có bảy phần công lực nhưng chiêu “Huyền Chi Hựu Huyền” cũng đủ dọa khiếp đối phương. Ðúng như tên gọi, đường kiếm huyền huyền, ảo ảo chẳng thấy đâu là sơ hở.
Là sát thủ già dặn, quen vào sanh ra tử, lão ta nghiến răng công thẳng vào màn kiếm quang của đối thủ. Trong giao đấu, chẳng phải lúc nào cũng có thể nhìn thấy sơ hở hay ý đồ của kẻ thù, lúc ấy, người ta đối phó bằng cách đổi đòn, kẻ nào mạnh, nhanh thì thắng.
Kiếm và đao là hai loại vũ khí khắc chế lẫn nhau. Kiếm nhẹ mà nhanh, đao nặng nên lực chém mãnh liệt. Do vậy, tuy kiếm đứng đầu trong binh khí phổ song số người học đao pháp còn đông hơn người học kiếm. Bằng chứng điển hình là mấy chục vạn quân triều Minh đều dùng đao là vũ khí.
Vậy tại sao kiếm lại làm mưa làm gió trên giang hồ? Bởi vì kiếm thuật là đỉnh cao của võ học, là tín ngưỡng của những kẻ có căn cơ thượng hạng. Khi đạt đến trình độ cao siêu, không thanh đao nào có thể ngăn chặn đường đi của mũi kiếm.
Nhương Thư là một trong những kiếm sĩ xuất sắc nhất võ lâm. Sở đắc đến hai pho tuyệt kiếm của Phật môn và Ðạo gia. Về chiêu thức thì không ai hơn được.
Chàng nhận ra lưỡi Cửu Hoàn đao kia khống chế từ ngực đến đầu gối của mình, thế thức hiểm ác và mạnh mẽ, song chưa đủ nhanh, tuy nhiên mối đe dọa thực sự đến từ lão già cầm Phá Sơn phủ ở phía sau lưng chàng. Nhương Thư đã tiên liệu trước nên khi bảo kiếm vừa chạm Cửu Hoàn đao phía trước, chàng hạ tả thủ chĩa xéo ra sau xạ liền một đạo Thương Dương chỉ. Ðồng thời, Nhương Thư điểm liền bảy thức cuối trong chiêu kiếm.
Hai tiếng rú cất lên cùng một lúc, lão cầm đao ngã gục ngay vì thủng ngực, còn lão cầm búa thì lảo đảo ôm bụng. Nhương Thư quay ngoắt lại hớt đứt yết hầu nạn nhân rồi tung mình ra xa tránh chiêu hợp công của Ðào Thiên Hậu và hai lão hộ pháp còn lại.
Họ Ðào đau lòng khôn xiết trước cái chết chóng vánh của hai thủ hạ trung thành. Lão điên cuồng gầm vang :
- Lập trận!
Thế là bọn đệ tử Báo Ứng hội lăn xả vào, phối hợp cả đao kiếm lẫn độc châm, quyết băm thây kẻ địch. Song không phải chúng đánh đấm hỗn loạn mà theo một chiến thuật định sẵn, nhịp nhàng và dũng mãnh.
Từ vòng tròn chung quanh, bọn sát thủ thay nhau chạy qua chạy lại, tấn công tâm điểm là Nhương Thư, chỉ một chiêu là rút sang vị trí đối diện. Mỗi đợt như thế là sáu gã, tả, hữu, tiền, hậu, thượng, hạ.
Ðáng ngại nhất là mũi hạ bàn, trong tư thế cuộn tròn người, che thân bằng vũ khí, những tên sát thủ kia đã khiến Nhương Thư phải lúng túng.
Ðịa Ðường đao pháp là môn võ kỳ dị nhất Trung Hoa, xuất hiện vào thời Nam Tống, khi quân Mông Cổ xâm lăng Hoa Hạ.
Kỵ binh Mông Cổ hung hãn và thiện chiến đã đè bẹp bộ binh nhà Tống nhờ vó ngựa thần tốc. Lúc chúng đánh Hồ Nam, một vị ẩn sĩ đã đến thành Tương Dương dạy cho quân Tống pho Ðịa Ðường đao pháp này. Vài ngàn cặp chân ngựa Mông Cổ đã bị chặt và thành Tương Dương cầm cự được mấy năm trời. Sau này, Chu Nguyên Chương cũng có cả một đạo quân chuyên luyện Ðịa Ðường đao pháp, phá tan những đội kỵ binh nhà Nguyên, thành lập triều Minh.
Lục phương thọ địch, lại thêm độc châm bên ngoài bắn vào như mưa, Nhương Thư đành phải hát bài tẩu mã. Chàng thi triển Cửu Huyền bộ pháp, kiếm ảnh che thân, tiến dần về hướng Bắc.
Tất nhiên trận pháp của Báo Ứng hội không cho phép, bọn sát thủ liều chết xông vào, chẳng ngại câu sinh tử. Dũng khí của chúng quả là đáng sợ.
Nhương Thư có cảm giác như mình bị vây chặt bởi một lũ người điên, không còn dám nương tay, bảo kiếm bay lượn như tia chớp, đã gạt những đòn tấn công và lấy mạng kẻ thù.
Cả ba cao thủ đầu sỏ Báo Ứng hội là Ðào Thiên Hậu và hai lão hộ pháp cũng tham gia trận pháp. Với họ, Nhương Thư đối phó rất vất vả nên lưng trúng độc châm chi chít, tuy đau đớn nhưng chàng không thấy hiện tượng trúng độc, lòng càng tin lời Thúy Sơn. Nàng đã bảo rằng Tần Nhương Thư ba lần ăn được kỳ trân, thân thể bách độc bất xâm. Nhương Thư vừa đánh vừa nhổ bỏ ám khí trên người và ném trả lại đối phương.
Ðào Thiên Hậu cũng phát giác việc này, kinh hãi thét lên :
- Gã này không sợ độc! Các ngươi hãy bắn vào mắt gã cho ta!
Thế là bọn sát thủ ở ngoài cứ nhắm vùng mặt Nhương Thư mà phóng kim thép.
Nhương Thư như mãnh hổ cùng đường, giận dữ múa tít trường kiếm, tả xung hữu đột. Chàng xông đến đâu là có xác người gục ngã, tiếng kêu lìa đời nấc nghẹn hoặc ồn ào.
Nhương Thư đủ khôn ngoan để né tránh ba cường địch, chú tâm tấn công đám đệ tử kém tài, thu hoạch rất lớn.
Thấy thủ hạ chết như rạ, Ðào Thiên Hậu tan nát ruột gan, quên cả thận trọng lao vào tập kích hậu tâm họ Tần.
Nhương Thư đã tin mình là Nhương Thư nên nảy ý định sát hại Ðào Thiên Hậu để báo phụ thù. Nếu bỏ lỡ cơ hội này, sau sẽ khó gặp được lão hồ ly xảo quyệt này.
Sau lần thoát chết dưới mũi côn ngàn cân của Âm Sơn lão tổ, chàng hiểu rằng cơ thể mình rắn chắc, kiên cố hơn thường nhân gấp mấy lần. Giờ đây chàng lợi dụng ưu thế đó để ra tay.
Nhương Thư bất ngờ đề khí bốc lên cao, khoằm bàn tay tả xạ đủ sáu đạo Lục Mạch thần chỉ vào mặt Ðào Thiên Hậu.
Tiếng chỉ kình rít gió khiến họ Ðào sợ hãi. Nhưng lão đã hơi chậm chân, và cũng vì tốc độ cực nhanh của chỉ phong, nên lãnh một chỉ vào mắt trái.
Công lực phân tán làm sáu nên không mạnh, chỉ đủ sức phá vỡ nhãn cầu Ðào Thiên Hậu. Nhưng trong lúc họ Ðào tá hỏa tam tinh, tay chân bủn rủn thì kiếm của Nhương Thư đã đến nơi, đâm thủng yết hầu của lão. Ðây cũng là vị trí của huyệt Liêm Tuyền, thuộc mạch Nhâm.
Mũi kiếm cắt đứt khí quản lẫn thực quản, máu tràn vào phổi đưa nạn nhân đến cái chết khá nhanh chóng. Ðào Thiên Hậu ngạt thở, mắt trợn trắng, miệng há hốc, hai tay cào cấu cổ họng đòi dưỡng khí.
Nhưng lão chưa kịp chết thì Nhương Thư đã trúng đòn của lão hộ pháp cầm chùy. Chàng muốn giết kẻ gia thù nên chấp nhận trả giá, có điều không được quá đắt.
Khi đâm vào cổ Ðào Thiên Hậu, Nhương Thư chỉ dùng có hai thành công lực, kỳ dư dồn cả về hậu tâm để đỡ đòn.
Tiếng chùy giáng vào lưng nghe khá kêu, Nhương Thư hộc máu và bị đẩy văng về phía trước. Kỳ diệu thay, chàng không chết mà còn vung kiếm giết liền hai gã đang lơ ngơ đứng đúng nơi mình đến.
Nhương Thư tràn tới, xuất chiêu “Lôi Phong Thiết Phiến”, kiếm quét tròn một đường hình rẽ quạt, không phải chém mà là đâm thủng ngực thêm bốn tên nữa. Kể thì đơn giản nhưng thực ra chiêu này có đến một trăm linh tám thế thức, mũi kiếm vừa quét vừa điểm như mưa nên đối phương không sao ngăn nổi.
Phòng tuyến đã trống, Nhương Thư lao vút đi, khuất dạng trong bóng tối của khu rừng phía Bắc thảm cỏ. Chạy được hơn dặm, chàng nghe tiếng Thúy Sơn hỏi :
- Phải đại ca đó không?
Chàng vội đáp :
- Ta đây!
Từ sau một gốc cây lớn, Thúy Sơn xuất hiện, giọng đầy lo âu, trách móc :
- Thấy đại ca lâu quá không đến, tiểu muội nóng ruột quay lại xem sao?
Nhương Thư cảm động nắm tay nàng :
- Chúng đông đến hàng trăm tên, ta phải vất vả lắm mới giết được lão Ðào Thiên Hậu rồi thoát thân!
Thúy Sơn hân hoan nói như reo :
- Ðại ca giỏi thực! Giữa vòng vây dày đặc mà vẫn báo được gia thù!
Thúy Sơn đã tìm ra đường mòn đưa đến bờ Nam sông Hoàng Hà nên dắt Nhương Thư đi theo. Họ đến nơi thì trời hửng sáng.
Ðoạn bờ này có địa thế rất cao nên không cần đắp đê. Hai người ngồi phịch xuống bãi cỏ xanh rì nhờ mưa đầu thu để nghỉ ngơi. Ðào Thiên Hậu đã chết, chắc chắn bọn Báo Ứng hội không dám đuổi theo Nhương Thư.
Thúy Sơn nhờ ánh bình minh mà phát hiện những vết máu trên lưng trượng phu, kinh hãi rú lên :
- Ðại ca thọ thương rồi!
Và nàng mau mắn lột áo chàng, đau lòng trước mấy chục lỗ thủng nhỏ và một vết bầm lớn cỡ bàn tay. Thúy Sơn ấn vào và tò mò hỏi :
- Chỗ này của đại ca bị loại vũ khí gì đánh trúng vậy?
Nhương Thư cười đáp :
- Cây chùy sắt của lão hộ pháp béo lùn! May mà ta đã vận công bảo vệ, và mượn đà đẩy mà nhảy đi, không thì xương đã gãy rồi!
Thúy Sơn vừa bôi thuốc kim sang lên vết thương, vừa cằn nhằn :
- Ðại ca không được liều mạng như thế nữa! Lỡ chàng có mệnh hệ gì lần nữa, bọn tiểu muội chắc phát điên mất!
Nhương Thư liền an ủi :
- Nàng chớ quá lo lắng làm gì, làm gì có kẻ giết nổi ta?
Sau khi hạ sát Âm Sơn lão tổ, chàng thực sự tin tưởng vào kiếm pháp và chỉ pháp của mình nên mới nói thế.
Nhưng từ trong cánh rừng cạnh bờ sông bỗng có tiếng ai cười nhạt :
- Cuồng ngôn! Bọn ta đến hóa kiếp cho ngươi đây!
Vừa nói, phe đối phương vừa ập đến, vây chặt vợ chồng Nhương Thư. Chàng không biết lai lịch bọn lạ mắt này, song Thúy Sơn đã sợ hãi thét lên :
- Âu Dương Lăng!
Nhờ thế Nhương Thư mới hiểu gã trung niên áo xanh, tuấn tú, oai phong kia từng là Cung chủ của Tứ Phạn Thiên cung. Nghe đồn gã đã đưa thủ hạ về Thiểm Tây liên kết với Báo Ứng hội, nhưng sao lúc nãy không xuất hiện để trợ giúp Ðào Thiên Hậu.
Cạnh Âu Dương Lăng là tám lão già trong Hộ cung Thập nhị chân khanh. Thế lực của đối phương khiến Nhương Thư thầm lo ngại cho Thúy Sơn.
Bờ sông cao hơn mặt nước Hoàng Hà đến tám chín trượng, nước sông lại chảy cuồn cuộn như thác lũ, nhảy xuống mà thọ thương hay không giỏi thủy tính là khó toàn mạng.
Thúy Sơn thì thầm :
- Ðại ca! Chúng ta hãy phá vòng vây chạy dọc bờ sông tìm về Khai Phong! Tiểu muội bơi rất dở và cũng chẳng dám nhảy xuống nước từ độ cao chóng mặt này!
Là bậc anh hùng bất khuất, Nhương Thư hiên ngang đáp :
- Phá vây không khó! Nàng cứ giữ vị trí sát mép sông, ta ở phía ngoài chống trả!
Âu Dương Lăng cười nhạt :
- Cứ trăn trối đi rồi chết! Ngươi đã thọ thương làm sao địch nổi bọn ta? Nay bổn nhân tập thành Thần Quang chưởng pháp, mở lượng bao dung cho ngươi được nghỉ ngơi một khắc!
Thêm sức lực là thêm sinh cơ, Thúy Sơn chụp lấy ngay :
- Cung chủ quả có khí độ của bậc trượng phu! Song ta thắc mắc vì sao Cung chủ lại có mặt nơi này mà không bạt kiếm trương trợ Ðào Thiên Hậu?
Thúy Sơn là một trong những mỹ nhân hàng đầu võ lâm, sau những ngày hoan lạc trùng phùng với Nhương Thư, nàng mập ra, dung nhan càng mặn mà quyết rũ. Âu Dương Lăng là nam nhân, lại nổi tiếng phong lưu, lẽ nào không chạnh lòng ngây ngất.
Y nhìn nàng bằng ánh mắt thèm thuồng và đắc ý đáp :
- Bổn cung dời đến Thiểm Tây, nhất thời phải chịu lụy địa chủ là Báo Ứng hội! Nhưng Ðào Thiên Hậu tham lam, bắt ta phải dâng khẩu quyết Thần Quang kiếm phổ. Ta đồng ý nên được họ Ðào xem trọng, đối đãi tử tế! Khi biết lão đi Khai Phong đoạt Mạc Gia thần kiếm, ta lập tức bám theo, chỉ đến trễ độ vài khắc. Nhưng dẫu có đến sớm ta cũng chẳng dại gì cứu mạng lão!
Thúy Sơn tủm tỉm hỏi thêm :
- Cung chủ bảo rằng mình tập đại thành Thần Quang chưởng pháp, tiểu muội chẳng dám tin vì công lực Cung chủ còn kém lắm!
Âu Dương Lăng ngửa cổ cười ngạo nghễ :
- Này mỹ nhân! Trước sau gì nàng cũng phải chết hoặc thuộc về ta, vì vậy, bổn nhân chẳng giấu diếm làm gì! Ta đã làm thịt con Huyết Hoa Lộc nên hiện sở hữu đến hơn hoa giáp chân khí, và mỗi ngày mỗi tăng thêm! Chỉ ba năm nữa là ta sẽ trở thành vô địch thiên hạ!
Nhương Thư nhìn cặp mắt chói lọi hào quang của Âu Dương Lăng, biết rằng gã không nói khoác. Chàng càng thêm lo lắng, quyết định đào tẩu ngay. Nhương Thư vỗ lưng Thúy Sơn khẽ quát :
- Ði!
Cả hai thủ kiếm lao vút về hướng Tây, cùng tấn công ba lão Chân Khanh. Thúy Sơn chọn một còn Nhương Thư phụ trách hai.
Sáu đạo thần chỉ là vũ khí bất ngờ nên nạn nhân không tránh khỏi, vừa cử kiếm đã buông rơi, ôm ngực rên la. Còn chiêu kiếm Niên Miên Nhược Tồn cũng thành công chẳng nhỏ. Ðường kiếm lấp lánh trong ánh triều dương, vẽ nên những đường tơ bất tận, níu chặt kiếm của lão Chân Khanh.
Lão ta bất ngờ xòe tả thủ vỗ liền một chưởng cách không để tự cứu nguy. Thì ra Âu Dương Lăng đã đem Thần Quang chưởng pháp dạy cho thủ hạ.
Chưởng kình vừa chạm ngực Nhương Thư thì đã đứt đoạn vì chàng đã biến chiêu đâm thủng huyệt Lao Cung của đối thủ. Sau đó, chàng trổ ba lỗ trên ngực lão.
Tuy đắc thắng nhưng Nhương Thư lại bội phần lo lắng, lập tức tràn qua mé hữu để hỗ trợ Thúy Sơn. Nàng không đủ bản lãnh để đối phó với Thần Quang chưởng pháp.
Phản ứng thần tốc này đã cứu vãn được một phần tai họa. Lão già thấp bé kia thấy kiếm quang cuồn cuộn ập đến liền run sợ, chưởng kình lệch đi, chỉ trúng vào vai phải Thúy Sơn.
Là thân liễu yếu đào tơ, xương cố nhỏ nhắn, Thúy Sơn đau đớn rú lên, thân hình loạng choạng. Tuy nhiên, kẻ đả thương nàng đã phải bồi thường. Kiếm chưa đến nơi thì Nhương Thư đã hạ thủ bằng một ngọn chỉ phong vào huyệt Ðộc Tỵ dưới đầu gối chân phải đối phương. Lão ta lập tức lảo đảo vì chân trụ tê tái, lộ sơ hở và trúng một kiếm vào vùng gan.
Nhương Thư chẳng cần biết nạn nhân sống chết thế nào, nhảy về phía ái thê. Âu Dương Lăng và ba lão Chân khanh đã đến nơi, nhất tề cử chưởng hợp công. Nhương Thư kinh hãi ôm Thúy Sơn nhảy ngược về phía bờ sông.
Nàng nữ hiệp vùng Bát Ðạt Lĩnh tuy gãy xương vai nhưng vẫn kiên cường nén đau, cùng Nhương Thư hợp lực đề khí, nhờ vậy hai người bay khá xa, chỉ còn cách mép vực sông hơn trượng.
Hai lão Chân Khanh trấn giữ mé này lập tức vung chưởng tấn công. Nhương Thư chẳng hề úy kỵ, ôm kiếm lao vào, kiếm kình vun vút cắt nát chưởng phong, dư lực giáng vào người chàng nhưng không ngăn được đà tiến vũ bão. Chàng đã đạt đến trình độ thi triển thuật Ngự kiếm trong khoảng cách gần, chính là khắc tinh của Thần Quang chưởng pháp.
Hai lão giết mướn già khiếp vía, vội cử kiếm chia tả hữu phản kích.
Thanh gươm của Nhương Thư loang rộng, va chạm với cả hai đối thủ. Tiếng tinh tang vang lên dồn dập. Luồng kiếm ảnh sáng bạc kia bất ngờ nghiêng hẳn về mé hữu, chụp lấy lão Chân khanh cao gầy, râu ngắn ngủn. Lão rú lên thảm khốc vì cái đau khủng khiếp của vùng ngực trái.
Lão còn lại thấy kẻ thù hở sườn trái, nghiến răng đâm liền bốn nhát, nhưng Thúy Sơn đã luôn bám sát Nhương Thư, đỡ đòn cho chàng.
Tuy đánh mất ký ức nhưng bản năng sinh tồn của Nhương Thư vẫn nguyên vẹn. Nó lại được tôi luyện qua những trận đấu sinh tử trong quá khứ, khi hữu sự liền hiển hiện. Chàng đã tính toán rất chính xác chứ chẳng phải liều lĩnh.
Thúy Sơn chặn xong đòn tập kích thì Nhương Thư quay sang xạ một đạo chỉ kình sắc bén như dùi sắt, xuyên thủng huyệt Mũi Trung trên ngực trái kẻ địch. Ðây chính là tử huyện nên nạn nhân khó thoát chết.
Nhưng vẫn còn Âu Dương Lăng và ba lão Chân khanh nữa, cả bốn vung song chưởng tấn công Nhương Thư và Thúy Sơn, chẳng thèm dùng kiếm cho mệt.
Nhương Thư kinh hoàng dồn toàn lực vào chiêu “Huyền Vụ Mãn Thiên”, kiếm quang tỏa rộng che chắn cho cả hai người.
Tám đạo chưởng kình giáng vào màn sương kiếm mịt mù, lực đạo mãnh liệt như sấm sét, nên đã phá thủng được lá chắn thép, một đánh vào bụng Nhương Thư, một vào ngực Thúy Sơn.
Nhương Thư chỉ hộc máu lảo đảo, song Thúy Sơn thì văng ngược ra phía sau, rơi xuống sông Hoàng Hà. Nhương Thư ngoái nhìn theo, nhận rõ vòi máu tươi trong miệng Thúy Sơn phun ra vương vãi không gian.
Chàng đau đớn gầm lên, định lao theo người yêu thì bị đối phương chặn lại bằng những đạo chưởng phong vũ bão.
Nỗi thống khổ biến thành cơn thịnh nộ điên cuồng. Nhương Thư trợn mắt xông vào Âu Dương Lăng. Chính phát chưởng của gã đã đưa Thúy Sơn xuống hoàng tuyền. Với độ cao tám chín trượng, một kẻ thọ thương như nàng chẳng thể nào sống sót nổi. Thúy Sơn dẫu không nát xương vì sức căng của mặt nước thì cũng bị dòng nước đục ngầu, hung hãn kia cuốn đi và dìm chết.
Công lực Nhương Thư chưa đầy hoa giáp, tức thị kém Âu Dương Lăng một, hai bậc, nhưng võ nghệ của chàng cao siêu hơn hắn ta. Và khi chàng đã nổi điên, xem thường sinh tử thì càng đáng sợ.
Âu Dương Lăng chột dạ trước ánh mắt tóe lửa căm hờn của đối phương, vội đánh chiêu “Nguyệt Quang Vân Xuất”, song thủ vỗ liền mười hai chưởng ảnh. Cùng lúc ấy, ba lão đạo sĩ giả hiệu mang danh Chân khanh kia cũng hợp chưởng cùng Môn chủ.
Nào ngờ, thân hình Nhương Thư đang ập đến lại đột ngột bốc cao như pháo thăng thiên, khiến những đạo chưởng kình hụt mục tiêu, chạm vào nhau nổ ì ầm.
Cơn giận ngút trời đã nhất thời khích động tiềm thức Nhương Thư, khiến chàng bất giác thi triển chiêu “Kính Ðảo Quang Phương” theo phương vị hai trục tung, hoành.
Và từ trên không trung, chàng sa xuống như núi Thái Sơn ập vào đầu kẻ thù. Âu Dương Lăng hồn phi phách tán cử song thủ vỗ liền hai chưởng, đồng thời song cước lui mau. Không phải do gã phản ứng nhanh mà bởi Nhương Thư đã hao tổn chân nguyên sau trận tử đấu với Báo Ứng hội, Âu Dương Lăng thoát chết nhưng hai bàn tay bị đâm nát, rơi mất mấy lóng, mặt và đầu cũng tổn thương nhẹ.
Cảm giác đau đớn và sợ hãi đã làm cho Âu Dương Lăng chẳng còn chút dũng khí nào, tung mình đào tẩu ngay.
Ba lão Chân khanh liều chết cầm chân Nhương Thư để Cung chủ thoát thân. Càng đánh họ càng khiếp đảm trước kiếm thuật và tấm thân sắt thép của Tứ Mi Ngọc Diện kiếm khách. Chàng liên tiếp trúng chưởng mà vẫn đứng vững và trả lại họ những vết thương vấy máu. Cả ba sợ xanh mặt hè nhau bỏ chạy, chia làm ba hướng để làm khó dễ họ Tần.
Nhương Thư không ngần ngại đuổi theo cái lão đã dại dột chạy đúng hướng Âu Dương Lăng vừa thoát đi. Lão ta bị truy quá nút, vừa chạy vừa nói nhanh :
- Sao ngươi không chạy dọc bờ sông tìm xác vợ, theo ta làm gì?
Lão chỉ nói vì quá sợ, nào ngờ lại có tác dụng. Nhương Thư lập tức đình bộ, chạy ngược về phía bờ sông. Chàng phi thân như điên theo dòng nước đang hùng dũng xuôi Ðông, miệng gọi vang :
- Sơn muội! Sơn muội!
Chàng hành động một cách mù quáng vì giờ này xác Thúy Sơn đã trôi xa hàng mấy dặm.
Ðược vài khắc, Nhương Thư kiệt lực, vấp tảng đá ngã lăn ra, chàng bò đến mép vực sông nhìn dòng nước vàng đục, ác độc kia mà khóc vùi.
Chàng chẳng cần biết mình là ai, chỉ biết mình yêu tha thiết Bạch Thúy Sơn, và cái chết thảm của nàng đã khiến chàng đứt từng khúc ruột.
Nhương Thư càng đau khổ hơn khi không thể nhảy xuống nước chết theo nàng. Thứ nhất là vì chàng bơi rất giỏi, chẳng thể chết đuối được. Thứ hai, chàng phải sống để giết Âu Dương Lăng mà báo thù, cũng như tiêu diện Kỵ Ba Thần Quân.
Nhương Thư nghiến răng thề nguyện :
- Sơn muội hãy chờ ta! Ngày nào diệt xong Tứ Phạn Thiên cung và Sơn Hải bang ta sẽ đến với nàng!
Nhương Thư thổn thức đến khô lệ, và mơ màng nghe có tiếng chim bay ngang, hót trên đầu. Tiếng chim đã gợi cho chàng nhớ đến những con bồ câu đưa thơ của Cái bang, huy động nhân thủ ngược dòng tìm xác Thúy Sơn. Chàng không thể để người vợ yêu lênh đênh làm mồi cho cá, hoặc được chôn như một nạn nhân vô danh.
Nhương Thư bật dậy phi thân về Khai Phong cho thật nhanh. Lúc đi ngang tòa mộc xác của Tích Bảo chân nhân, nơi ngập tràn kỷ niệm, chàng sực nhớ đến giọt máu của mình trong bụng Thúy Sơn, càng thương tâm vô hạn.
Ði thêm một đỗi, Nhương Thư phát hiện một con tuấn mã còn đủ yên cương đang gặm cỏ, chàng lướt đến vỗ về rồi lên ngựa. Con vật này chắc là của một lão Chân khanh đã bị chàng giết.
Sơn Tây là vùng đất bị người Mông Cổ chiếm giữ lâu nhất, lại là cao nguyên nên nghề nuôi lừa ngựa rất phát đạt. Nhương Thư cỡi ngựa từ nhỏ, thuật kỵ mã và chăm sóc thuộc hàng thượng thặng.
Chàng không cần dùng roi đánh đập mà vẫn khiến con ngựa lạ ngoan ngoãn phóng như bay. Tuy đang nóng ruột, Nhương Thư cũng thầm khen ngựa tốt.
Chàng vào cửa Ðông thành lúc cuối giờ Thìn, lỏng tay cương, dáo dác tìm bọn ăn mày.
Hình dung thiểu não và bộ y phục bê bết máu của Tứ Mi Ngọc Diện kiếm khách đã khiến bách tính trố mắt nhìn. Khách giang hồ thì kinh ngạc thầm mừng rỡ vì đã biết chuyện chàng hạ sát Âm Sơn lão tổ, thọ trọng thương, được Bạch Thúy Sơn cõng chạy.
Một hán tử mang kiếm bước ra, vòng tay nói :
- Sau khi cùng quân triều đình quét sạch Âm Sơn giáo, Dương Châu Thần Thâu cùng đệ tử Cái bang đã khổ công tìm kiếm đại hiệp và Tần phu nhân. Sao đại hiệp không đến Phân đà cho họ mừng.
Nhương Thư gật đầu :
- Xin cảm tạ các hạ! Song ta không biết lối!
Hán tử kia hăng hái đáp :
- Tại hạ rất vinh dự được dẫn đường cho đại hiệp!
Sau trận Cô Ðộc bảo, Tần Nhật Phủ đã làm chấn động võ lâm, thanh danh vang rền như sấm dậy, ai cũng tôn thờ chàng làm thiên hạ đệ nhất cao thủ, và chắc chắn sẽ trở thành Minh chủ võ lâm.
Bởi thế, hán tử này sướng rơn khi được làm quen và giúp đỡ chàng hiệp sĩ họ Tần. Gã hùng dũng rảo bước, đi phía trước đầu ngựa của thần tượng, cố tỏ vẻ bình thường, song thực ra, mũi gã nở lớn và phập phồng, còn miệng chỉ chực cười toe toét. Gã biết có rất nhiều người đang nhìn mình với ánh mắt ngạc nhiên và ganh tỵ.
Tim gã nổi trống trận khi nghe Tần Nhật Phủ hỏi :
- Xin các hạ cho Tần mỗ được biết đại danh!
Hán tử áo đen lắp bắp vì cảm động :
- Bẩm đại hiệp! Tại hạ là một kẻ áo vải vô danh, tên gọi Mục Tử Lương, năm nay hai mươi bảy tuổi, quê đất Hồ Nam!
Họ Mục khai báo đầy đủ, cứ như sắp kết giao huynh đệ với người ta vậy.
Nhương Thư chẳng thể nói câu “cửu ngưỡng”, chỉ gật đầu. Nhìn vai áo vải xấu sờn rách của Mục Tử Lượng, chàng chạnh lòng nghĩ đến hàng vạn chàng trai khác đang đeo gươm phiêu bạt, bỏ cố hương đi tìm chút thanh danh. Ða phần số ấy đều thất bại như Tử Lượng vậy. Muốn nổi danh hiệp khách trong chốn giang hồ sát máu này chẳng phải là chuyện dễ.
Phân đà Cái bang ở Khai Phong không xa, chỉ quanh co vài ngõ là đến nơi. Mục Tử Lượng hăng hái hét vang :
- Tần đại hiệp giá lâm!
Bọn hán tử đang ngồi trước sân vá áo bắt rận giật mình ngẩng lên, nhận ra chàng trai lông mày kép mà mình cực khổ tìm kiếm lâu nay.
Họ lúng túng đứng dậy khom lưng vái chào vì Tần Nhật Phủ đã chẳng chờ họ thông báo mà đi xăm xăm vào cửa sảnh.
Khách được chào đón bằng những tiếng ồ kinh ngạc, mừng rỡ của khá nhiều người. Quanh chiếc bàn bát tiên trần trụi, sứt mẻ kia có đến năm người, gồm Vô Ưu Cái, Ngọa Long Tú Sĩ, Triều Châu Thần Y, Dương Châu Thần Thâu và một gã khất cái gầy gò, cao lêu nghêu.
Gã cao gầy ấy chính là Phân đà chủ địa phương này, tên gọi Thanh Trúc Cái Phan Ðình Khải. Họ Phan đã cấp báo về Tổng đàn Lạc Dương khi tìm mãi không thấy Tứ Mi Ngọc Diện kiếm khách và Bạch Thúy Sơn. Do vậy, bọn Vô Ưu Cái mới vội vã đến Khai Phong.
Gương mặt đưa đám và thân thể tang thương của Nhương Thư đã khiến mọi người lo lắng. Vô Ưu Cái hấp tấp hỏi :
- Thúy Sơn đâu?
Nhương Thư thiểu não đáp :
- Sơn muội đã bị Âu Dương Lăng đánh trúng một chưởng, rơi xuống sông Hoàng Hà! Bang chủ mau cho chim câu bay đến các địa phương ở hạ lưu, huy động thuyền và người để vớt xác!
Vô Ưu Cái yêu thương Thúy Sơn như em gái, nay nghe hung tin không giữ nổi sự trầm tĩnh thường nhật, tái mặt quát :
- Sự việc thế nào? Mau nói rõ ta nghe!
Nhương Thư cười nhạt, mắt đổ lửa :
- Chuyện rất dài, trước mắt lão cứ làm theo lời ta!
Vẻ mặt đau khổ và dữ tợn của chàng đã khiến Vô Ưu Cái tỉnh táo lại. Lão bảo thủ hạ :
- Khải nhi! Sao ngươi không đi lo công việc, còn ngồi đấy làm gì?
Thanh Trúc Cái chính là đệ tử của Hầu Mộ Thiên. Gã vội dạ vang, tất tả bước ra ngoài.
Ngọa Long Tú Sĩ lên tiếng :
- Tần công tử cứ an tọa rồi kể rõ nguồn cơn cho bọn lão phu nghe thử?
Nhương Thư thẫn thờ ngồi phịch xuống ghế, uống liền ba chén trà cho nguôi cơn khát, rồi chậm rãi kể lại tất cả, trừ việc yêu đương giữa chàng và Thúy Sơn.
Cái chết của nàng đã khiến chàng chẳng còn thiết tha việc mình là ai nữa. Có nhận thân phận cũ cũng vô ích vì không bằng cớ và còn phiền nhiễu bởi sự tra hỏi. Nhương Thư quyết định giữ danh nghĩa Tứ Mi Ngọc Diện kiếm khách, diệt ma, phục thù xong là tự sát, chết theo nương tử.
Trong khi kể lể, những giọt lệ đã vơi giờ lại đầy và tràn ra khóe mắt, chứng tỏ niềm tiếc thương Thúy Sơn vô hạn. Ðiều này đã khiến bọn Vô Ưu Cái nghi hoặc. Là bậc anh hùng cái thế, nước mắt họ Tần nào dễ tuôn rơi như vậy.
Ngọa Long Tú Sĩ là ngươi luôn đoán chắc Nhật Phủ là Nhương Thư, giờ càng vững tin hơn. Lão đá nhẹ vào chân Vô Ưu Cái rồi bấm độn, xem thủ hung cát thế nào. Lỗ tú sĩ trầm ngâm một lúc, mặt lộ nét mừng :
- Tượng quẻ rất tốt! Thúy Sơn tuy gặp nạn nhưng có đến chín phần sống sót! Tần thiếu hiệp cứ yên tâm vào trong tắm gội, nghỉ ngơi và để Tạ thần y chăm sóc vết thương!
Nhương Thư bán tín bán nghi, gằn giọng hỏi lại :
- Tiên sinh nói thực đấy chứ?
Lỗ Ðăng Hân mỉm cười :
- Nếu sai, lão phu xin phế bỏ cái danh hiệu Ngọa Long ngay!
Là đệ tử nhà Phật, chàng vốn không tin bói toán, xong giờ đây chàng bám víu vào quẻ Dịch kia để không chết vì tuyệt vọng. Hơn nữa, thanh danh của Ngọa Long Tú Sĩ lừng lẫy đã ba chục năm, cũng đáng để tin lắm chứ.
Nhương Thư thở phào :
- Tạ ơn Phật tổ! Nếu Thúy Sơn thoát nạn thì đệ tử nguyện xây một cảnh chùa thật lớn!
Ðây chính là khuyết điểm của Di Hồn đại pháp, vì không thể thay đổi thói quen trong ngôn ngữ. Nhương Thư đã bộc lộ bản chất sư sãi của mình.
Mắt Vô Ưu Cái sáng lên, lão mỉm cười :
- Té ra Tần thiếu hiệp lại là một người mộ đạo, kính Phật chứ không kính Tam Thanh!
Nhương Thư cũng sững sờ trước việc này, thầm rủa mình đúng là cái gã sư nửa mùa của chùa Phật Quang.
Chàng không đối đáp, lặng lẽ đứng lên, chợt phát hiện Mục Tử Lượng vẫn còn lẩn quẩn trước sân Phân đà, liền bảo Vô Ưu Cái :
- Phiền Bang chủ thưởng cho vị huynh đài áo đen tên Mục Tử Lượng kia! Y đã nhiệt tình đưa đường cho tại hạ đến đây!
Hầu Mộ Thiên gật đầu và bảo gã tiểu cái hầu trà :
- Ngươi hãy dẫn Tần công tử xuống khánh xá, dành cho y một phòng thoáng đãng, yên tĩnh!
Gã tiểu cái vâng dạ, khom lưng mời Nhương Thư đi theo. ở đây, Vô Ưu Cái bước ra cửa sảnh, vẫy gọi Mục Tử Lượng :
- Ngươi vào đây!
Họ Mục mừng rỡ rảo bước theo Bang chủ Cái bang vào sảnh. Hầu Mộ Thiên ngắm nghía gương mặt thuần hậu, thật thà của Mục Tử Lượng, định nói thì bị Ngọa Long Tú Sĩ cướp lời :
- Chẳng hay Mục thiếu hiệp quê quán ở đâu?
Mục Tử Lượng vội vòng tay đáp :
- Bẩm tiền bối! Vãn bối quê huyện Nhạc Dương, phủ Hồ Nam!
Lỗ tú sĩ hỏi tiếp :
- Dung mạo của thiếu hiệp rất giống Tỏa Hầu Mục Vĩnh Phu cũng người đất Nhạc Dương! Dám hỏi đôi bên có quan hệ gì không?
Mục Tử Lượng tái mặt cúi đầu, sợ hãi đáp :
- Vãn bối chính là thứ nam của Tỏa Hầu!
Ngọa Long Tú Sĩ làm nhà trên núi Lỗ Gia Công, cũng thuộc Hồ Nam, nên biết rõ giới võ lâm trong phủ. Tỏa Hầu Mục Vĩnh Phu lại là một đại nhân vật, lừng danh với tài chế tạo ổ khóa, thiết kế cơ quan, tất nhiên Lỗ Ðăng Hân chẳng lạ.
Võ lâm Trung Nguyên có hai người nổi tiếng khéo tay là Tỏa Hầu ở phương Nam và Trượng Vương Tất Qui ở phương Bắc. Trượng Vương qua đời đã lâu, chính thị ông nội của Tất Cung Bảo, chủ nhân những trái Bạt Sơn Thần Lựu.
Lỗ tú sĩ cười ha hả :
- Thì ra ngươi là chàng trai không thích nghề bán ổ khóa, trốn nhà đi làm hiệp sĩ đây sao?
Lão còn giễu cợt :
- Sao ngươi không dùng tài mở khóa gia truyền mà kiếm ăn, để phải đói rách thế kia!
Mục Tử Lượng đỏ mặt, lúng túng đáp :
- Vãn bối tuy được chân truyền song tuyệt đối chẳng dám làm nhục nhã tông môn! Xin tiền bối chớ nói thế!
Vô Ưu Cái vốn có tài Minh chủ, giỏi thuật dùng người, nhận ra Mục Tử Lượng là bậc hiền tài, rất hữu dụng cho sự nghiệp giáng ma. Ông vui vẻ hỏi :
- Mục hiền điệt! Ngươi bỏ cảnh giàu sang phú quí chắc cũng vì hiệp tâm vạn trượng, nuôi chí trừ gian diệt bạo! Nay võ lâm gặp hồi kiếp nạn, ma chướng hoành hành, chẳng hay hiền điệt có chịu đem sức ra sát cánh với lão phu hay không?
Mục Tử Lượng choáng váng, ngây ngất như người đậu trạng nguyên, quì xuống lạy :
- Bang chủ đã có lòng hạ cố, vãn bối xin xả thân phò tá!
Vô Ưu Cái rời ghế, đỡ Mục Tử Lượng lên, đưa vào bàn. Ông hỏi han kỹ lưỡng, hài lòng khi biết họ Mục đủ tài đáp ứng những yêu cầu của mình. Ông bèn bảo gã về chỗ cư trú thu xếp hành lý, sang đây chờ lệnh.
Mục Tử Lượng đi rồi, Vô Ưu Cái nghiêm nghị hỏi Lỗ tú sĩ :
- Này Lỗ hiền đệ, tài bói toán của ngươi có thực sự linh ứng hay không?
Lỗ Ðăng Hân gượng cười :
- Thiên cơ đâu dễ để người phàm biết được! Quẻ bói chỉ đáng tin sáu bảy phần mà thôi! Tiểu đệ phải nói cứng thế để trấn an Nhương Thư đấy!
Hầu Mộ Thiên cau mày :
- Ngươi đã dám khẳng định rồi ư?
Lỗ Ðăng Hân gật đầu, nghiêm giọng :
- Tiểu đệ tự tin mình không thể lầm! Nay họ Tần thọ thương là cơ hội tốt để chúng ta kiểm chứng!
Vô Ưu Cái gật gù, quay sang bảo Tạ thần y :
- Phiền Tạ lão huynh xem xét thật kỹ cơ thể Tần Nhật Phủ!
Tạ lão mỉm cười, về phòng lấy rương thuốc, đi xuống khách xá. Nửa canh giờ sau ông trở lại, đôi lông mày bạc cau tít.
Tạ thần y nhấp hớp trà rồi kể :
- Lão phu đã để lẫn một hoàn thuốc ngủ vào thuốc trị nội thương, nhờ vậy có điều kiện quan sát rất kỹ. Khổ thay, mặt y không hề có dấu vết mổ xẻ hay dịch dung! Tuy nhiên lão phu đã khám phá việc y không sợ độc, dù trúng hơn hai chục mũi độc châm. Hai là, xương cốt y cứng rắn khác thường, chịu nguyên một chùy vào lưng mà chẳng gãy!
Vô Ưu Cái là người cực kỳ thận trọng nên phân vân :
- Lạ thực! Hai đặc tính cơ thể kia đúng là của Nhương Thư, song chẳng lẽ trên đời lại có kẻ tài ba đến mức cắt da xẻ thịt mà không để lại dấu vết?
Ngọa Long Tú Sĩ cười mát :
- Lão phu xin hiến một kế mọn!
Đăng bởi | Mr. Robot |
Phiên bản | Dịch |
Thời gian | |
Lượt đọc | 21 |