Nữ sinh tai tiếng (4)
Minh Nguyệt chỉ ngủ khoảng ba tiếng đồng hồ. Mới năm giờ sáng, cô đã ăn vận chỉnh tề có mặt ở công viên gần nhà. Đừng thấy hôm qua cô ăn nhiều mà lầm tưởng cô không quan tâm đến ngoại hình của cơ thể này.
Muốn sống tốt trước tiên cần phải khoẻ mạnh. Từ bây giờ trở đi, Minh Nguyệt sẽ bắt tay vào thực hiện kế hoạch giảm cân của mình.
Người ủy thác lười vận động, cơ thể không có sức bền và sự dẻo dai, mới tập vài động tác mà Minh Nguyệt đã thở hồng hộc, chỉ muốn bỏ cuộc đi về nhà tiếp tục ngủ. Không nản chí, cô đổi sang những động tác đơn giản hơn, kiên trì tập trong nửa tiếng.
Sau khi làm nóng cơ thể và thực hiện các bài tập giãn cơ, Minh Nguyệt tự cổ vũ chính mình rồi bắt đầu chạy bộ vòng quanh công viên.
Không cần nói cũng biết, Minh Nguyệt gục ngã ngay sau khi hoàn thành vòng chạy đầu tiên. Chỉ mới chạy hơn một cây số chút xíu mà hai chân cô đã nặng như đeo chì, nhấc lên không nổi.
Đời nào hệ thống bỏ qua cơ hội này, nó lập tức cất giọng châm chọc Minh Nguyệt:
- Cô đừng cố quá, coi chừng quá cố bây giờ.
Lúc này Minh Nguyệt đang đi bộ vòng quanh công viên, nghe hệ thống nói như vậy cô bực mình quát:
- Cậu có im đi không thì bảo? Cậu cười tôi từ nãy tới giờ chưa đủ hay sao?
Hệ thống cười lớn:
- Cô nên nhìn thấy dáng vẻ của cô lúc này, nào còn bộ dáng hăng hái như hồi mới ra đây.
Minh Nguyệt mạnh miệng nói:
- Cậu cứ chờ đó, đảm bảo ngày mai tôi sẽ chạy được hai vòng quanh công viên.
Hệ thống khinh bỉ ra mặt:
- Cô nhắm làm được thì hẵng nói nha.
Minh Nguyệt tự tin đáp:
- Ai mà chẳng có lần đầu. Cơ thể này lười vận động nên kém bền bỉ, bởi vậy mới nhanh xuống sức. Chỉ cần tôi chăm chỉ luyện tập và không bỏ cuộc, chắc chắn sẽ hoàn thành được mục tiêu mình đã đặt ra.
- Vậy thì chúc cô sớm giảm cân thành công. Đừng làm mất mặt tôi.
Hệ thống hống hách thốt ra một câu như thế rồi phủi đít offline, không cho Minh Nguyệt có cơ hội mắng chửi, khiến cô tức cành hông mà chẳng làm gì được nó.
Sáu giờ sáng, Minh Nguyệt mệt nhoài người đạp xe trở về nhà. Đón cô là dì Hằng, người giúp việc toàn thời gian của nhà cô.
- Thư, con mau vào bếp ăn sáng đi. Con để giày vớ đó dì giặt cho.
Minh Nguyệt gật đầu, nói cảm ơn dì Hằng rồi ung dung đi vào bếp.
Ông Long đang ngồi đọc báo, trước mặt là tách cà phê nóng hổi vừa được pha.
Cách đó chỉ mấy bước chân, bà Hà bận rộn bên nồi nước lèo, nhanh nhẹn múc nước phở đổ ra bát, bỏ lên khay bưng ra cho cả nhà.
Ngọc Hân cũng không rảnh rỗi, ngoan ngoãn phụ mẹ trụng giá, rửa sạch ngò gai và húng quế cho vào cái đĩa lớn, bỏ thêm mấy lát chanh và vài miếng ớt, đổ một ít tương ớt, tương đen vào một chén nhỏ rồi để lên bàn ăn.
Khung cảnh này thường xuyên diễn ra trước mắt người ủy thác, khiến cho cô bé vừa ao ước, vừa ghen tị với Ngọc Hân. Ba người đó giống như một gia đình, còn Anh Thư lại giống như người thừa, thậm chí còn thua xa người dưng.
Từ trong ký ức của người ủy thác, Minh Nguyệt biết được ông Long rất thích ăn phở do bà Hà tự tay nấu. Nhưng lần nào cũng vậy, người ủy thác đều không có phần, với lý do cô bé cần phải ăn ít lại để giảm cân.
Thấy Minh Nguyệt bước vào, ông Long gấp tờ báo đang đọc lại để sang một bên, mặt lạnh như tiền hỏi:
- Thư, sáng sớm con đi đâu mà giờ này mới về?
Minh Nguyệt tự nhiên ngồi vào bàn, làm như không thấy miếng bánh mì sandwich nhỏ xíu ai đã bày sẵn ở chỗ của cô, ngoan ngoãn trả lời:
- Con ra công viên tập thể dục.
Mặt của ông Long hơi giãn ra, ông ta quan sát Minh Nguyệt thật kỹ, nghiêm nghị nói:
- Bố hy vọng lần này con kiên trì được lâu.
Nói rồi ông Long quay sang trò chuyện với vợ của ông ta, sau đó gắp lên một đũa phở, vừa ăn vừa nức nở khen tay nghề nấu nướng của bà Hà.
Mùi thơm từ ba tô phở nóng hổi truyền tới mũi của Minh Nguyệt, khiến bụng dạ cô cồn cào.
Cô nhìn xuống miếng bánh mì sandwich kẹp rau xà lách của mình, tự hỏi tại sao bọn họ được ăn phở còn cô thì phải ăn cái này?
Bà Hà thấy cô không ăn thì quan tâm hỏi:
- Thư à, sao con không ăn đi? Dù con có muốn giảm cân thì cũng không nên bỏ bữa đâu đấy nhé. Hôm kia con nói muốn ăn kiêng, dì đã lên mạng tìm hiểu và viết ra thực đơn ăn kiêng cho con. Con cứ ăn theo dì, đảm bảo sẽ có kết quả sau một tuần.
Minh Nguyệt cầm miếng sandwich đứng dậy đi kiếm một chiếc hộp đựng thực phẩm. Cô gói bữa sáng của mình bằng giấy báo rồi bỏ vào hộp, đậy nắp lại cẩn thận, sau đó nhìn bà Hà, lễ phép đáp:
- Con để dành ra chơi ăn. Thưa bố và dì, con xin phép lên lầu thay đồ đi học.
Hôm qua Anh Thư dám trả treo với bố khiến bà Hà cảm thấy kỳ lạ. Bữa nay con bé lại ra ngoài từ lúc trời chưa sáng nên càng khiến bà ta sinh nghi, cứ lo con bé đang có âm mưu gì đó để đối phó với bà ta.
Bây giờ nhìn bộ dáng rụt rè của Anh Thư, bà Hà cảm thấy trong lòng yên tâm hơn rất nhiều. Có lẽ bà ta đã quá đa nghi. Một đứa con gái mười bảy tuổi thì có thể làm được gì cơ chứ.
Tuy nhiên, là một người cẩn thận, bà Hà chưa bao giờ bỏ qua bất kỳ dấu hiệu bất thường nào có thể gây ra nguy hiểm cho kế hoạch của bà ta, dù là nhỏ nhất.
Minh Nguyệt thấy bà Hà nhìn mình bằng ánh mắt nghiền ngẫm, cô không biết bà ta đang nghĩ gì nhưng chắc chắn bà ta đang cảnh giác với cô. Quả là một người phụ nữ khó lường.
Ngọc Hân thấy mẹ im lặng thì ngọt ngào nói với Minh Nguyệt:
- Hôm nay em có muốn đi học cùng chị không? Lâu rồi hai chị em mình không đi học chung với nhau.
Minh Nguyệt thong thả trả lời:
- Cảm ơn chị, nhưng tôi bị say xe, chị cũng biết mà.
Ngọc Hân vỗ trán, làm bộ như vừa sực nhớ ra thông tin quan trọng đó, mỉm cười nói:
- Ấy chết, chị quên mất. Vậy em ráng chịu khó đạp xe đi học nha. Đó cũng là cách tốt để giảm cân mà, chị nói có đúng không?
Thật ra say xe chỉ là cái cớ người ủy thác tự bịa ra để khỏi phải đi học chung với Ngọc Hân. Minh Nguyệt không rõ ông Long có biết chuyện này hay không, cả buổi chẳng thấy ông ta thốt ra câu nào.
Trước sự khiêu khích ngầm của Ngọc Hân, Minh Nguyệt lựa chọn phớt lờ hết thảy. Cô lễ phép nói:
- Thưa bố và dì con đi.
Minh Nguyệt chào ông Long, bà Hà rồi lầm lũi cầm hộp đựng sandwich rời khỏi nhà bếp.
Bộ dáng buồn tủi của cô khiến cho Ngọc Hân đắc ý vô cùng, cảm giác sung sướng như vừa chiến thắng một trò chơi.
Bà Hà ở bên cạnh cũng bị dáng vẻ yếu đuối nhu nhược này của Minh Nguyệt đánh lừa, nghi ngờ ở trong lòng vì thế mà vơi bớt vài phần.
Thật ra Minh Nguyệt rất muốn đáp trả lại cho sướng mồm giống tối hôm qua nhưng cô nghĩ tới nghĩ lui, quyết định đây không phải là lúc thích hợp để cạch mặt nhau. Cô vẫn còn quá yếu, lại chưa hiểu rõ về kẻ địch, không thể tùy tiện hành động, sẽ khiến bản thân rơi vào nguy hiểm.
Minh Nguyệt đến trường lúc sáu giờ bốn mươi phút, gửi xe xong cô đi thẳng tới căn tin.
Khánh An đã chờ sẵn ở đó. Vừa nhác thấy cô, con nhỏ vui vẻ vẫy tay gọi:
- Thư, tớ ở đây nè.
Minh Nguyệt ngồi vào bàn ăn, hỏi:
- Cậu chờ tớ có lâu không?
Khánh An hồ hởi đáp:
- Tớ cũng vừa mới tới thôi. Hôm nay có cơm sườn, hủ tiếu, bánh canh và nui, cậu ăn gì?
Minh Nguyệt suy nghĩ giây lát rồi nói:
- Tớ muốn ăn cơm cho chắc bụng. Cậu ăn gì để tớ mua phiếu luôn? Coi bộ chỗ bán phiếu hơi đông, không biết còn cơm sườn hay không nữa?
- Khỏi, tớ mua phiếu rồi. Xem nè.
Vừa nói Khánh An vừa xoè ra hai tấm phiếu ăn khoe với Minh Nguyệt, đắc ý cười:
- Tớ biết kiểu gì cậu cũng ăn cơm sườn hoặc hủ tiếu, nên tớ mua luôn rồi nè. Cậu ăn cơm sườn thì tớ ăn hủ tiếu, cậu ăn hủ tiếu thì tớ ăn cơm sườn. Cậu thấy tớ có thông minh không?
Minh Nguyệt giơ ngón cái với Khánh An, không hề tiếc lời khen ngợi bạn:
- Cậu là nhất. Cậu đã mua phiếu, vậy để tớ đi lấy đồ ăn. Cậu ngồi đây giữ chỗ đi.
Minh Nguyệt không mất quá lâu để lấy phần ăn của mình và bạn. Mọi thứ đã được chuẩn bị sẵn sàng. Cô vừa đưa phiếu ra thì đĩa cơm sườn cũng vừa vặn được chuẩn bị xong. Hủ tiếu còn nhanh hơn thế, chỉ cần đổ nước lèo nóng hổi vào là dùng được ngay.
Hai đứa con gái vừa ăn sáng vừa trò chuyện về bài vở, không hề để ý có thêm một người lặng lẽ bưng tô bánh canh đứng ở bên cạnh.
- Xin lỗi, chỗ này có ai ngồi không?
Minh Nguyệt nghe hỏi thì thuận miệng đáp:
- Không có, bạn ngồi đi.
- Cảm ơn.
Bỗng Khánh An reo lên:
- Lâm, bữa nay cậu cũng tới căn tin ăn sáng hả?
Minh Nguyệt nghe vậy thì tò mò nhìn sang nam sinh ngồi kế mình, trong đầu lập tức hiện lên một cái tên: Hoàng Thanh Lâm, bạn học cùng lớp.
Người ủy thác không có ấn tượng với cậu bạn học này, chỉ biết đó là một nam sinh cao ráo, đẹp trai, nhưng lầm lì, ít nói, không chơi thân với ai.
Thanh Lâm nghe Khánh An hỏi liền đáp ngắn gọn:
- Tôi dậy muộn.
Khánh An buột miệng nói:
- Bình thường tớ cũng đâu thấy cậu đi học sớm, tớ cứ tưởng ngày nào cậu cũng dậy muộn.
- Ừ.
Là sao ba?
Khánh An không hiểu tiếng “ừ” của Thanh Lâm là có ý gì, nhưng con nhỏ rất biết điều không hỏi nhiều, để cho bạn tập trung ăn sáng.
Minh Nguyệt không hiểu cũng không muốn hỏi, cô nhìn đồng hồ, thấy sắp tới giờ vào học nên giục bạn:
- Cậu mau uống cho xong ly sữa đậu nành đi. Tụi mình sắp trễ rồi đó.
Khánh An chỉ vào Thanh Lâm vẫn đang thong thả ăn bánh canh, nói:
- Cậu gấp cái gì, bảy giờ mười mới vô tiết đầu tiên, giờ mới bảy giờ. Cậu nhìn Lâm mà học hỏi đi, cậu ấy vẫn đang bình tĩnh ngồi ăn nè.
Đoạn Khánh An quay qua hỏi Thanh Lâm:
- Đây có phải là lý do cậu luôn vô lớp trễ hơn mọi người?
Thanh Lâm vẫn đang ung dung gắp từng sợi bánh canh lên ăn, không đáp lại mà chỉ gật đầu thay cho câu trả lời.
Minh Nguyệt nhìn tô bánh canh còn hơn một nửa của Thanh Lâm rồi nhìn đồng hồ, dứt khoát kéo nhỏ bạn đứng lên, nói:
- Mặc kệ cậu ta, tụi mình đi thôi. Tiết đầu tiên là tiết Hoá, vô lớp tranh thủ ôn bài. Tớ có linh cảm rằng thầy Bình sẽ kiểm tra mười lăm phút đột xuất.
Khánh An nghe tới kiểm tra thì xanh mặt, vội vã ôm cặp đứng dậy. Con nhỏ áy náy nói với Thanh Lâm:
- Bọn tớ đi trước. Cậu ăn nhanh rồi lên lớp sau nhé.
- Ừ.
Minh Nguyệt chỉ tuỳ tiện bịa đại ra một lý do để kéo Khánh An đi, ai dè lại trở thành sự thật.
Thầy Bình vừa đi tới cửa lớp thì Thanh Lâm cũng lẻn vào lớp bằng cửa sau, nhanh chóng ngồi vào vị trí của mình ở sát lối ra vào.
Có lẽ thầy Bình đã quá quen với việc Thanh Lâm đến lớp chỉ trước mình một bước như thế này nên thầy chẳng nói gì.
Tụi học sinh đứng lên chào thầy Bình, còn chưa kịp ngồi xuống đã thấy thầy bất ngờ lấy từ trong cặp đen ra một xấp giấy, ai nấy cũng đều kêu trời.
Chờ cho tất cả đã có đề, thầy Bình nở ra nụ cười nguy hiểm, nói:
- Các em có mười lăm phút làm bài.
Minh Nguyệt nhìn tờ đề, vì là kiểm tra mười lăm phút nên chỉ có hai câu hỏi. Nhưng mà mã đề “Z” này có nghĩa là sao? Thầy giáo dạy Hoá cũng rảnh ghê.
Minh Nguyệt đang vò đầu bứt tai suy nghĩ cách làm câu một thì giọng thầy Bình vang lên:
- Khánh An, đừng nhìn bài bạn, vô ích thôi. Tổng cộng có hai mươi sáu mã đề, em nhắm cùng đề với Anh Thư thì hẵng nhìn.
Khánh An đau khổ cắn bút, miệng làu bàu:
- Sao thầy siêng quá vậy?
Thầy Bình nghiêm giọng nhắc nhở cả lớp:
- Còn mười phút.
Minh Nguyệt không khá hơn Khánh An là bao. Thấy mới đó mà đã hết năm phút, cô bắt đầu quýnh lên, suy nghĩ nát óc, cố nhớ lại bài cũ để hoàn thành chuỗi phản ứng.
Cũng may người ủy thác học bài kỹ, cho nên Minh Nguyệt được hưởng ké thành quả, cuối cùng cũng hoàn thành hai câu trong đề kiểm tra của thầy Bình trước khi thầy đến chỗ cô thu bài.
Đúng là hú hồn hú vía.
Trải qua mười lăm phút căng thẳng, Minh Nguyệt quyết định sẽ không để cho sự việc lần này lặp lại.
Cô nghe giảng thật kỹ, nghi chép cẩn thận để khi về nhà có thể dễ dàng xem lại. Đồng thời, cô cũng giơ tay phát biểu ý kiến hoặc đặt câu hỏi về những vấn đề cô cảm thấy khó hiểu.
Dẫu vậy, bốn mươi lăm phút là quá ít để học hỏi. Sau khi thầy Bình rời khỏi lớp, Minh Nguyệt đề nghị với Khánh An:
- Chiều nay học xong tụi mình đi nhà sách không? Tớ muốn mua sách tham khảo.
Khánh An vui vẻ đáp:
- Đi. Bắp rang bơ bán trước nhà sách ngon nhức nách. Mới nghĩ tới thôi mà tớ đã thấy thèm chảy nước miếng rồi nè.
Minh Nguyệt: “...”
Tự nhiên cô cũng thấy thèm ăn bắp rang bơ là sao ta? Hai đứa ăn một bịch chắc không sao đâu ha?
Minh Nguyệt chột dạ với suy nghĩ của chính mình. Nếu để cho hệ thống biết, chắc chắn nó sẽ cười cho cô không ngóc đầu dậy nổi.
Đăng bởi | tieunguyet123 |
Thời gian | |
Cập nhật | |
Lượt đọc | 2 |