Gần ngắn xa dài
Nàng vẫn cười dài, cười mãi không ngừng.
- Thế mà giờ đây chàng lại muốn thiếp đi làm những việc đó, chàng chẳng là thằng ngốc thì còn ai?
Tạ Hiểu Phong là thằng ngốc thật ư?
Chàng năm tuổi học kiếm, sáu tuổi thuộc kiếm phổ, bảy tuổi sang sảng đọc thuộc làu làu thơ Đường... Đại đa số những đứa trẻ bằng tuổi chàng lúc ấy vẫn đang mặc quần thủng đít. Thế mà trước mặt Mộ Dung Thu Hoạch chàng đã trở thành một thằng ngốc, ngốc khổ ngốc sở! Bất kỳ ai ở trước mặt một người nào đó đều có thể biến thành thằng ngốc cứ như là suốt trong đời mắc nợ người đó vậy.
Chàng chậm chạp đứng dậy nhìn nàng bảo :
- Nàng nói hết chưa?
Mộ Dung Thu Hoạch bảo :
- Nói hết thì sao nào? Chẳng lẽ chàng giết thiếp?
Rồi tự dưng tiếng cười của nàng biến thành tiếng khóc thảm thiết. Nàng khóc to bảo :
- Giỏi! Chàng giết thiếp đi, chàng đối với thiếp như vậy chẳng lẽ thiếp không muốn sống nữa?
Nàng khóc rất thê thảm nhưng trên mặt lại không có một nét nào là đau thương rồi nàng bỗng hạ giọng bảo :
- Đàn bà thích chàng thì quá nhiều, thiếp biết rồi dần dà chàng cũng quên thiếp vì vậy cứ cách mấy năm thiếp lại phải chấn chỉnh chàng một lần để chàng vĩnh viễn đừng có quên thiếp!
Nói xong câu đó nàng lại khóc tiếp càng to rồi tự dưng vung tay tát hai cái thật mạnh vào má mình, đánh mạnh đến nỗi mặt sưng tím lại rồi kêu to :
- Sao chàng không giết quách thiếp đi cho thỏa lòng? Sao chàng cứ hành hạ thiếp mãi thế?
Nàng ôm mặt đau đớn khóc lóc mà chạy xuống núi cứ như thể chàng đang đuổi theo đằng sau để đánh đập nàng.
Tạ Hiểu Phong đến một ngón tay cũng không động đậy thì dưới dốc núi bỗng có mấy bóng người xuất hiện.
Một bà quý phái áo quần hoa hoét, đầu đầy châu ngọc, đi xăm xăm tới trước ôm chặt lấy Mộ Dung Thu Hoạch.
Theo sau là ba người nữa, một ông già tóc bạc phơ phơ nhưng lưng và chân tay vẫn thẳng băng, tay ôm một cái bọc vải vàng dài dài.
Một người thì mới quá tuổi trung niên nhưng lại có vẻ rù rờ chậm chạp, mặt đầy vẻ phong trần có vẻ mới vất vả đường xa tới.
Đi cuối cùng lại là một cô gái thân thể yếu nhược, vừa đi vừa xụt xịt chùi nước mắt.
Tạ Hiểu Phong cơ hồ không nén nổi chỉ muốn kêu lên :
- “Cô bé”! Cô bé đi lên dốc núi cuối cùng, đúng là “cô bé”, con người chàng vẫn để tâm lo lắng. Chàng không gọi vì còn ba người kia chàng đều quen, quen đã rất lâu.
Người đàn ông tóc bạc nhưng “lão đương ích tráng” đó là dượng của chàng là Hoa Thiếu Khôn. Hai mươi năm trước “Du Long kiếm khách” Hoa Thiếu Khôn một mình tám đại đệ tử phái Võ Đang mà không thua trận nào được chủ nhân Thần Kiếm Sơn trang Tạ Vương Tôn gả em gái “Phi Long nữ kiếm khách” Tạ Phụng Hoàng cho làm vợ. Long Phụng song kiếm sát cánh liền cành được giang hồ cho là một đôi vợ chồng lý tưởng.
Thời đó Hoa Thiếu Khôn như vầng dương giữa trời và lúc đắc ý nhất không ngờ lại cũng vào đúng lúc đó ông ta bị bại dưới lưỡi kiếm của một chú bé mười tuổi “vắt mũi còn chưa sạch”. Đánh bại ông ta chính là đứa cháu vợ, là Tạ Hiểu Phong.
Người đàn bà quý phái đang ôm Mộ Dung Thu Hoạch trong lòng và lau nước mắt cho nàng ta chính là bà cô ruột của Tạ Hiểu Phong là Tạ Phụng Hoàng.
Người béo trung niên cũng họ Tạ là chú họ xa của chàng và cũng chính là người trông nom chàng từ bé tới khi trưởng thành. Hồi chàng còn bé thường sang quán rượu ở bờ hồ bên kia để vòi rượu uống. Người trung niên béo đó chính là ông chủ quán nhỏ họ Tạ.
Nhưng bọn họ tại sao lại đi cùng “cô bé”?
Tạ Hiểu Phong đoán không ra mà cũng chẳng muốn đoán. Chàng chỉ muốn đi nơi khác cho mau, không để cho các người kia gặp chàng. Nhưngg rất tiếc những người kia đã trông thấy chàng. Hoa Thiếu Khôn thì nhìn chàng mà cười nhạt, “cô bé” thì nhìn chàng và khóc.
Chủ quán họ Tạ thở hổn hển leo lên dốc núi, khom lưng, cười lấy lòng chào hỏi :
- Tam thiếu gia, lâu ngày không gặp, xin chào cậu, cậu khỏe chứ!
Tạ Hiểu Phong đâu có khỏe, tâm tình cũng chẳng vui, sắc mặt cũng xấu, nhưng đối với ông già tốt bụng từ lúc chàng mới tám chín tuổi đã thỉnh thoảng lén cho chàng uống vụng rượu chàng không thể không cười vui, chỉ hỏi lại :
- Sao bác lại đến chốn này?
Chủ quán họ Tạ không quen nói dối, đành nói thực :
- Chúng tôi được Mộ Dung cô nương mời tới!
Tạ Hiểu Phong hỏi :
- Cô ấy mời các người tới làm gì?
Chủ quán họ Tạ do dự, không hiểu lần này có nên trả lời thực hay không.
Tạ Phụng Hoàng cười nhạt bảo :
- Đến xem ngươi làm điều đẹp mặt!
Tạ Hiểu Phong ngậm miệng không nói nữa.
Chàng quá hiểu bà cô này của chàng tính khí chẳng ra gì, ấn tượng đối với chàng cũng chẳng ra gì vì ở trên đời này có người đàn bà nào ưa được kẻ đã đánh bại “đức ông chồng” của mình dù kẻ đó là cháu ruột mình cũng vậy.
Rất tiếc bà cô vẫn là bà cô, dù cho ấn tượng của bà dành cho mình tốt hay không tốt, bà cô vẫn cứ là bà cô.
Chàng tuy im mồm rồi nhưng Tạ Phụng Hoàng vẫn chưa chịu tha :
- Thật không ngờ nhà họ Tạ chúng ta lại nẩy ra được một nhân tài như ngươi, chẳng những khinh thị vợ mà đến con đứt ruột đẻ ra cũng chẳng màng.
Bà ta trỏ vào những vệt ngón tay hằn trên má Mộ Dung Thu Hoạch mà bảo :
- Ngươi đã lừa dối nó đến hai lần, nó vẫn một lòng một dạ đối với ngươi thật tốt, tại sao ngươi đè nó ra mà đánh đến nông nổi này cơ chứ!
Mộ Dung Thu Hoạch rơi nước mắt :
- Anh ấy... anh ấy không...
Tạ Phụng Hoàng nổi giận :
- Ngươi nói ít đi! Khi nãy hai đứa ngươi nói những gì ở trong gian nhà nhỏ chúng ta đều nghe rõ cả rồi, bản thân nó không chối cãi nổi điều nào sao ngươi còn cứ phải nói chạy tội cho nó!
Bà ta lại hỏi :
- Những câu đối đáp vừa rồi bác chủ quán họ Tạ cũng nghe thấy rõ ràng cả chứ?
Chủ quán họ Tạ nói :
- Vâng!
Tạ Phụng Hoàng bảo :
- Ngươi nói các đàn bà khác chúng ta quản không nổi mà cũng chán không buồn quản nhưng còn Mộ Dung Thu Hoạch quan hệ với họ Tạ nhà ta lại khác, cho dù ngươi không cần con trai ngươi nhưng họ Tạ nhà ta lại không thể không nhận đứa bé này, càng không thể không nhận đứa con dâu này!
Tạ Hiểu Phong không hé răng, môi chàng đang run run. Đến giờ thì chàng đã hoàn toàn hiểu rõ ý đồ của Mộ Dung Thu Hoạch.
Nàng ta cố ý mời những người này tới bố trí cho họ nấp quanh gian nhà nhỏ, cố ý nói những gì những gì để họ nghe được để sau này chàng dù có muốn biện bạch cũng không biện bạch nổi và có biện bạch gì cũng chẳng ai tin.
Giờ đây nàng ta đã vừa làm chủ nhân nhà Mộ Dung ở Giang Nam lại vừa là chúa tể cả Thiên Tôn nhưng như thế nàng ta vẫn chưa thỏa mãn, nàng còn chú ý đánh vào Thần Kiếm sơn trang nữa.
Tạ Phụng Hoàng lại hỏi :
- Ngươi có còn gì để nói nữa không?
Tạ Hiểu Phong còn có gì để nói nữa, những việc này tuy chàng đã nghĩ đến cả rồi nhưng một lời cũng khó nói.
Tạ Phụng Hoàng bảo Tạ Hiểu Phong :
- Điều thứ nhất trong gia pháp nhà họ Tạ là gì ngươi có nhớ không?
Mặt Tạ Hiểu Phong không hề biển đổi nhưng chủ quán họ Tạ biến hẳn sắc mặt.
Ông ta biết rõ điều thứ nhất trong gia pháp nhà họ Tạ là “giới dâm” (cấm dâm ô) :
- Dâm ô vợ con người, tội chặt hai chân.
Tạ Phụng Hoàng cười nhạt bảo :
- Ngươi phạm vào điều cấm đó, dù đại ca ta có lờ cho ngươi, nhưng ta thì không thể dung cho ngươi được!
Bà ta vẫy tay một cái từ dưới dốc núi có một đồng tử rủ trái đào đưa lên một cây kiếm.
Kiếm vừa tuốt khỏi vỏ khí lạnh đã chích vào da thịt.
Tạ Phụng Hoàng nghiêm giọng quát :
- Bây giờ ta thay mặt họ Tạ làm trong sạch cửa nhà, ngươi còn chưa chịu quỳ xuống xin chịu tội hình phạt ư!
Tạ Hiểu Phong không quỳ.
Tạ Phụng Hoàng cười nhạt bảo :
- Nhân chứng vật chứng tại chỗ đã đủ đầy, chẳng lẽ ngươi còn không nhận sai, lẽ nào ngươi không phục tòng gia pháp?
Bà ta thừa hiểu làm gì có ai dám không chịu phục tòng gia pháp! Ai biết Tạ Hiểu Phong lại khăng khăng không chịu phục tòng! Tạ Phụng Hoàng biến sắc mặt. Bà ta là người đàn bà “số đỏ”, chẳng những có gia thế rất hiển hách, lấy được người chồng cũng rất hiển hách, người trong giang hồ dám nhìn thẳng vào bà ta không có mấy người. Vì vậy bà ta kiêu căng, ngạo ngược, tai quái, xưa nay vẫn là tính khí của một “đại tiểu thư” nhà phú quý, xưa nay có ai được bà ta để vào trong mắt?
Nghĩ sao bà ta làm vậy ngay.
Trường kiếm rung rung, bà ta sắp sửa ra tay.
Nhưng bà ta không ngờ chủ quán họ Tạ đi có vài bước đường đã thở hổn hển bỗng dưng động tác đột ngột trở thành nhanh nhẹn, chớp mắt đã tiến ra chặn trước mặt bà ta và cười giả lả bảo :
- Hoa phu nhân! Xin bớt giận!
Tạ Phụng Hoàng hỏi :
- Ngươi làm gì vậy?
Chủ quán họ Tạ bảo :
- Tôi nghĩ là trong lòng Tam thiếu gia có lẽ cũng có nhiều điều nói ra trước mặt người ngoài không tiện. Nếu Hoa phu nhân muốn dùng gia pháp xử trị thiếu gia, bất nhược hãy trở về gặp lão thái gia đã rồi hãy hay!
Tạ Phụng Hoàng cười nhạt bảo :
- Ngươi mở miệng ra câu nào cũng “Hoa phu nhân, Hoa phu nhân”, phải chăng là muốn nhắc nhở ta giờ ta không phải là người họ Tạ nữa?
Tâm lý của chủ quán họ Tạ dĩ nhiên ý là vậy nhưng ngoài miệng thì không dám công nhận nên vội vã lắc đầu :
- Tiểu nhân đâu dám!
Tạ Phụng Hoàng bảo :
- Cứ coi như ta không còn là người họ Tạ nữa nhưng cây kiếm này chính là kiếm họ Tạ đây!
Bà ta trỏ kiếm ra nghiêm giọng bảo :
- Kiếm này là gia pháp!
Chủ quán họ Tạ vẫn cười xởi lởi bảo :
- Tôi không được hiểu lắm, sao gia pháp nhà họ Tạ lại sang tay người họ Hoa như vậy?
Mặt Tạ Phụng Hoàng biến sắc, bà ta giận dữ bảo :
- Ngươi to gan thật, dám vô lễ cả với bà cô đây!
Chủ quán họ Tạ bảo :
- Tiểu nhân đâu dám!
Bốn tiếng ấy vừa buông khỏi miệng thì ông ta đã giơ bàn tay trái, thúc bàn tay phải, một nâng một vớt, cây kiếm trong tay Tạ Phụng Hoàng đã chớp mắt sang tay ông ta.
Lấy kiếm xong, chủ quán họ Tạ lùi lại ba trượng. Chiêu này dùng rất đơn giản, gọn gàng, mau lẹ, chuẩn xác nhưng biến hóa bên trong lại rất ảo diệu, khó hình dung ra nổi.
Khi Tạ Hiểu Phong dùng tay đoạt kiếm của Liễu Khô Trúc chính là dùng chiêu này.
Tạ Phụng Hoàng đứng đờ ra đó, mặt tím ngắt, nghiêm giọng quát :
- Ngươi học chiêu này ở đâu?
Chủ quán họ Tạ cười giả lả :
- Tất nhiên Hoa phu nhân phải nhận ra chiêu này chứ, chiêu cực hay đấy!
Ông ta từ tốn nói tiếp :
- Đây là chiêu lão gia thân truyền cho tôi. Lão nhân gia dặn đi dặn lại mấy lần là học xong chiêu này muôn vàn chớ được dùng bừa bãi, chỉ khi nào thấy bảo kiếm truyền đời nhà họ Tạ bị rơi vào tay người ngoài thì nhất định phải thi triển chiêu này để lấy lại!
Ông ta lại tươi cười bảo :
- Lời của lão gia đã dạy tôi đâu dám không theo!
Tạ Phụng Hoàng tức đến không nói nên lời, châu ngọc đeo đầy đầu cứ xeng xẻng rung lên không ngớt.
Bà ta thừa biết đây là chiêu thức độc môn của nhà họ Tạ, tuyệt kỹ này chỉ truyền cho con trai không dạy con rể, chỉ truyền cho con dâu không dạy con gái.
Vừa rồi chỉ trong chớp mắt kiếm trong tay bà ta đã bị đoạt mất vì bà ta đâu có biết sự ảo diệu của chiêu này.
Hoa Thiếu Khôn bỗng lên tiếng :
- Các hạ là người thế nào trong nhà họ Tạ?
Con người ông ta coi bộ cao lớn hùng dũng nhưng tiếng nói lại nhỏ nhẹ, nhã nhặn rất ghê. Bản thân ông ta đâu phải vốn vậy nhưng từ khi thua dưới lưỡi kiếm của Tam thiếu gia thì ít năm lại đây ông ta lo súc tinh dưỡng thần, công phu hàm dưỡng luyện đến nơi đến chốn nên vừa rồi vẫn nín nhịn được.
Chủ quán họ Tạ bảo :
- Tính ra tôi chỉ là cháu họ xa của lão thái gia mà thôi.
Hoa Thiếu Khôn bảo :
- Ngươi biết cây kiếm này là cây kiếm gì không?
Chủ quán họ Tạ đáp :
- Đây là một trong bốn cây kiếm của cụ tổ họ Tạ truyền lại.
ánh kiếm lóe lên, khí kiếm đã uy hiếp người ta phải nheo mắt chau mày.
Hoa Thiếu Khôn thở dài bảo :
- Kiếm tốt!
Chủ quán họ Tạ bảo :
- Rõ ràng là kiếm tốt rồi!
Hoa Thiếu Khôn bảo :
- Các hạ có xứng đáng dùng kiếm này không?
Chủ quán họ Tạ đáp :
- Không xứng đáng.
Hoa Thiếu Khôn bảo :
- Thế sao các hạ chưa trao kiếm lại cho Tam thiếu giả
Chủ quán họ Tạ bảo :
- Chính tiểu nhân cũng có ý đó.
Ông ta nói là tình thực vì vốn ông ta đã sẵn có ý ấy từ đầu nhưng chỉ vì chưa hiểu rõ ý tứ câu nói của Hoa Thiếu Khôn. Nhưng ông ta lại thấy là Tạ Phụng Hoàng hiểu ý tứ của chồng. Họ là đôi vợ chồng cùng chung hoạn nạn, sống với nhau hai chục năm, bây giờ chồng bà ta lại bảo đưa cây kiếm vốn ở trong tay vợ mình cho người khác mà bà ta không một chút tức giận, ngược lại còn tỏ vẻ ôn nhu và tha thiết một cách khó tả đối với chồng. Được như thế chứng tỏ bà ta rất hiểu ý tứ của chồng và chồng bà ta cũng biết là vợ rất hiểu ý tứ của mình.
Kiếm đã được trao vào tay Tạ Hiểu Phong. Nhưng cả đôi vợ chồng họ Hoa kia lại không buồn nhìn lấy nửa mắt mà chỉ lặng lẽ nhìn nhau đăm đăm.
Cũng chẳng rõ là bao lâu sau bỗng Hoa Thiếu Khôn lên tiếng :
- Mấy ngày nữa là đến rằm tháng mười một rồi!
Tạ Phụng Hoàng bảo :
- Dường như còn tám ngày nữa!
Hoa Thiếu Khôn bảo :
- Đến hôm ấy là đúng ngày nhà bà gả bà cho tôi được đúng hai mươi năm.
Tạ Phụng Hoàng bảo :
- Thiếp nhớ chứ!
Hoa Thiếu Khôn bảo :
- Từ khi tôi còn bé đã có lời thề có nổi tiếng mới lấy vợ.
Tạ Phụng Hoàng bảo :
- Thiếp biết chứ!
Hoa Thiếu Khôn bảo :
- Khi tôi nổi tiếng thì đã ngoại tứ tuần, khi tôi lấy bà cũng hơn bà đúng hai mươi tuổi.
Ở chỗ này đâu phải chỉ có hai vợ chồng nhà họ thế mà tự dưng họ lại lôi chuyện riêng tây của họ ra mà kể lể với nhau. Giọng họ kể lể nghe có vẻ rất ôn tồn, mềm mỏng, nhưng tình cảm biểu hiện lại rất kỳ quái, thậm chí còn cười rất quái lạ.
Hoa Thiếu Khôn bảo :
- Suốt hai chục năm nay chỉ có bà biết rõ tôi đã sống những ngày tháng ra sao...
Tạ Phụng Hoàng nói :
- Thiếp biết chứ... chàng... chàng luôn cảm thấy có lỗi với thiếp...
Hoa Thiếu Khôn bảo :
- Chỉ vì tôi thua, tôi chẳng còn là Hoa Thiếu Khôn cái thủa được lấy bà nên đi đến đâu cũng chẳng dám chường mặt ra, nhưng bà...
Ông ta đi lại cầm lấy tay vợ bảo :
- Xưa nay bà cũng không hề oán thán, vẫn cứ chịu đựng cái tính nết quái gở của tôi, nếu không có bà chưa biết chừng tôi đã chết rấp chết rúi nơi ngòi rãnh nào rồi!
Tạ Phụng Hoàng bảo :
- Thiếp làm sao lại oán hận chàng được, hai mươi năm ròng, sáng sáng tỉnh giấc lại được thấy chàng ở cạnh mình, đối với người đàn bà mà nói thử hỏi còn có hạnh phúc gì cho bằng!
Hoa Thiếu Khôn bảo :
- Nhưng bây giờ tôi già rồi, chưa biết chừng một sáng nào bà tỉnh dậy thì đã thấy tôi bỏ bà mà đi rồi.
Tạ Phụng Hoàng bảo :
- Nhưng...
Hoa Thiếu Khôn không để bà ta nói đã nói chặn ngang :
- Ai mà chẳng có ngày như thế! Việc ấy xưa nay tôi coi rất thường. Nhưng tôi tuyệt đối không thể để kẻ nào khác bảo bà cô nhà họ Tạ gả về cho một ông chồng chẳng có triển vọng gì, thật tôi chỉ mong được xứng đáng với bà.
Tạ Phụng Hoàng bảo :
- Thiếp biết chứ!
Hoa Thiếu Khôn hỏi :
- Bà có biết rõ thật không?
Tạ Phụng Hoàng gật đầu, nước mắt ròng ròng chảy xuôi gò má.
Hoa Thiếu Khôn thở dài thật dài rồi bảo :
- Xin cảm ơn bà!
“Cảm ơn bà”.
Ba chữ này mới sáo làm sao, nhưng lúc này ở đây, ba chữ này từ miệng Hoa Thiếu Khôn nói ra trong đó ẩn giấu biết bao là tình đằm thắm, sự cảm kích nồng nàn vô hạn.
Nước mắt “cô bé” đã chảy ướt cả vạt áo. Đến giờ thì chính cô ta cũng hiểu được ý của Hoa Thiếu Khôn và đến cô ta cũng những muốn tỏ lộ sự bi thương cảm động không nén nổi đối với hai vợ chồng nhà họ.
Hoa Thiếu Khôn ngồi xệp xuống trên bãi cỏ, cỏ đã sớm úa vàng - trừ trong đôi mắt những cặp tình nhân son trẻ. Ở đây trên dốc núi này vẫn cứ là “cỏ xanh như trải nệm”, nhưng đó chỉ là chuyện trong mắt, trong lòng những cặp tình nhân vì đối với họ ngày nào cũng là ngày xuân, mùa nào cũng là mùa xuân và nơi nào cũng đầy sắc xuân.
Nhưng đây là đôi vợ chồng lấy nhau đã lâu năm, ái tình của họ đã thăng hoa từ lâu rồi.
Hoa Thiếu Khôn ngồi xuống, đặt chiếu bọc vải vàng trên hai đầu gối rồi từ tốn ngẩng đầu ngoảnh mặt về phía Tạ Hiểu Phong.
Tạ Hiểu Phong đã rõ ý tứ của ông ta, có điều chàng đang đợi ông ta tự nói ra.
Cuối cùng Hoa Thiếu Khôn bảo :
- Hiện nay thứ tôi dùng không phải là kiếm!
Tạ Hiểu Phong bảo :
- Hử?
Hoa Thiếu Khôn bảo :
- Từ khi ta bại dưới tay ngươi, ta đã thề suốt đời không dùng kiếm nữa!
Ông ta nhìn vào gói vải để trên đầu gối bảo :
- Hai mươi năm nay ta tập luyện một thứ binh khí khác, ta ngày ngày đêm đêm chỉ mong có một mong muốn đến một ngày cùng ngươi đấu lại một trận
Tạ Hiểu Phong bảo :
- Tôi hiểu ý ông rồi!
Hoa Thiếu Khôn bảo :
- Có điều ta bại dưới kiếm nhà ngươi, tưởng đã thua còn đâu để đủ nói khỏe vì vậy nếu nhà ngươi không thèm đấu lại với lão già như ta, ta cũng không trách cứ gì!
Tạ Hiểu Phong đăm đăm nhìn ông ta, trong ánh mắt chàng lộ ra vẻ tôn kính bề trên nhưng nét mặt vẫn y nguyên chẳng tỏ vẻ gì, chỉ nhạt nhẽo buông một tiếng :
- Mời!
Cái bao này làm bằng vải vàng đường kim mũi chỉ khâu rất sít, bên ngoài còn quấn giải vải thật dài và còn thắt một nút rất chặt. Một cái nút không dễgì mở được ra.
Muốn mở được cái nút thắt này, cách nhanh nhất chỉ có giật đứt hay lấy dao cắt đứt. Nhưng Hoa Thiếu Khôn lại không làm như vậy, hai chục năm nay ông ta đã luyện cho mình sự nhẫn nại rồi. Ông ta tình nguyện mất công về chuyện này, cứ lần lượt lần mò mở từng nút buộc.
Đây là vì ông ta đã biết tụ lại thì ngắn, xa đi thì dài, cố mong cùng vợ nấn ná thêm lúc nữa. Tạ Phụng Hoàng nhìn chồng rồi bỗng lau sạch nước mắt, ngồi thụp xuống cạnh chồng bảo :
- Để thiếp giúp chàng!
Nút buộc do bà ta thắt dĩ nhiên bà ta cởi rất nhanh. Bà ta hiểu rõ chồng mình một khi đi đánh trận này sống chết nhục vinh khó mà dự đoán trước.
Bà ta quá hiểu chồng mình lần này đã ra đi thì khó mong trở lại vì vậy tại sao lại chẳng kéo dằng dai lâu thêm lúc nữa, sao chẳng nhân chút thời giờ này làm tiêu ma dũng khí và lòng tin của Tạ Hiểu Phong.
Vì Tạ Phụng Hoàng hy vọng chồng đánh trận này có thể đủ thắng. Ông chồng hiểu được tâm ý của vợ và bà vợ cũng biết là chồng hiểu ý mình. Sự hiểu nhau kiểu này khó khăn biết chừng nào? Cũng hạnh phúc biết chừng nào? Và quý báu biết chừng nào?
Tất cả mọi người có mặt tại chỗ đều bị kiểu tình cảm ấy của họ làm cho xúc động chỉ có Mộ Dung Thu Hoạch không hề nhìn họ lấy một lần chỉ chú mục nhìn vào cái bao dài vải vàng kia.
Trong bụng nàng ta nghĩ :
- Không hiểu trong cái bao này đựng loại vũ khí gì đây? Phải chăng nó có thể đánh bại Tạ Hiểu Phong?
Thời còn là tráng niên Hoa Thiếu Khôn được thiên hạ công nhận là cao thủ nhưng sau khi bị Tạ Hiểu Phong đánh thua thì thể lực ngày một suy tàn, so không thể bằng thời kỳ đỉnh cao cũ được.
Nhưng con người này có được kinh nghiệm từ sau lần thất bại, làm việc gì nhất định phải cẩn thận hơn, tâm tư cũng vào loại ít thấy trên giang hồ, nhất định là sẽ cực kỳ sắc bén, cực kỳ bá đạo. Ông ta xúc tinh dưỡng thần, khổ luyện trong hai mươi năm nếu bây giờ lại không sợ mạo hiểm lấy tính mạng, thậm chí không tính đến cả sự ly biệt với người vợ cùng chung hoạn nạn để đấu lại một trận với Tạ Hiểu Phong thì có thể thấy trong trận đánh này ông ta nhất định đã tương đối nắm chắc phần thắng.
Mộ Dung Thu Hoạch khe khẽ thở một hơi dài, cũng có vẻ nắm được chắc sự phân tách của mình. Nếu bây giờ có ai đánh cuộc với nàng ta, Mộ Dung Thu Hoạch nhất định đặt của Hoa Thiếu Khôn chắc thắng. Tỷ số là 3 so với 7, có thấp nhấp cũng là 6 so với 4. Mộ Dung Thu Hoạch tin chắc là sự phán đoán của mình là ăn chắc, tuyệt đối không thể sai được.
Cuối cùng cái gói cũng được mở ra. Gói bên trong bao chẳng phải binh khí gì cả mà chỉ là một đoạn côn gỗ.
Một đoạn côn gỗ thông thường, chất gỗ tuy có vẻ cứng rắn nhưng tuyệt đối không thể so với thanh danh kiếm thép trăm lần luyện mới thành được! Đây là thứ vũ khí ông ta khổ công luyện tập suốt hai chục năm ròng rã ư? Dựa vào đọan côn gỗ này mà định địch với kiếm của Tam thiếu gia ư?
Mộ Dung Thu Hoạch nhìn cây côn gỗ chẳng hiểu lòng mình đang kinh ngạc hay thất vọng? Chắc bằng ấy người đều cảm thấy rất ngạc nhiên rất thất vọng. Riêng Tạ Hiểu Phong thì không kể.
Chỉ có mình Tạ Hiểu Phong hiểu rõ nỗi khổ tâm của Hoa Thiếu Khôn lúc chọn đọan côn gỗ này làm binh khí, chỉ có riêng chàng hiểu rằng Hoa Thiếu Khôn chọn cách này là tuyệt đối chính xác.
Côn gỗ là loại vũ khí nguyên thủy nhất của loài người. Kể từ thời viễn cổ loài người săn thú để ăn thịt, khi bảo vệ thân mình là đã có loại vũ khí này rồi. Vì đã là thứ vũ khí nguyên thủy nhất nên mọi người đều biết dùng nó để đánh người đuổi chó, do đó không khỏi coi thường nó, quên phứt rằng mọi loại vũ khí trên đời đều biến, phát triển bắt đầu từ nó. Chiêu thức của côn gỗ vốn đơn giản nhưng khi cây côn gỗ nằm trong tay một bậc cao thủ thì có thể dùng nó làm thương, làm kiếm, làm phán quan bút... Mọi biến hóa của các lọai vũ khí đều có thể dùng thi triển từ một đoạn côn này! Hoa Thiếu Khôn đem một đoạn côn gỗ thông thường gói ghém cẩn thận tỉ mỉ đến thế đâu chỉ cốt dựng chuyện huyền hoặc mà là một loại đánh bằng tâm lý với đối phương đánh bằng tâm lý đối với bản thân mình nữa.
Nhất định ông ta trước hết khiến bản thân mình phải tỏ lòng chân thành tôn kính đối với cây côn này, sau nữa mới từ cây côn mà nẩy nở lòng tin quyết thắng.
“Lòng tin”! Lòng tin, bản thân nó đã là môt lọai vũ khí, môt loại vũ khí sắc bén nhất, loại vũ khí có hiệu quả nhất!
Đăng bởi | Mr. Robot |
Phiên bản | Dịch |
Thời gian | |
Lượt đọc | 31 |